Xóa sổ toàn bộ xăng A92: Không dễ!

Theo kế hoạch của Sở Công Thương TP.HCM, đến ngày 30-11 tới đây, toàn bộ 514 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP sẽ bán xăng sinh học (E5), không bán song song xăng A92 và xăng E5 như hiện nay.

Đây cũng là mục tiêu mà các doanh nghiệp (DN) đầu mối, tổng đại lý xăng dầu ở TP phải thực hiện theo lộ trình mà Chính phủ đã đề ra. Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào thực tế không phải là điều dễ dàng.

Cả ngày không thấy người mua

Theo Sở Công Thương TP.HCM, từ đầu năm 2010 Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, một số tổng đại lý như Comeco… đã bắt đầu phân phối xăng E5.

Các DN, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu cho hay họ tích cực triển khai theo kế hoạch nhưng việc phát triển mạng lưới bán xăng E5 chưa đạt kế hoạch đề ra do còn gặp nhiều khó khăn.

“Nguyên nhân chính là do chi phí đầu tư nâng cấp lớn trong khi hiệu quả kinh doanh thấp nên chưa thu hút được nhiều thành phần tham gia bán loại xăng trên” - đại diện một DN phản ánh.

Chứng minh điều này, một số DN dẫn kết quả sơ kết bảy tháng thực hiện thí điểm bán xăng E5 cho thấy lượng bán xăng E5 chỉ chiếm 3% tổng sản lượng xăng. Ví dụ: Một ngày cửa hàng bán được 100 lít xăng A92 thì xăng E5 chỉ bán được... 3 lít.


Một số ít người đã chọn đổ xăng E5. Ảnh: Tú Uyên

Anh T., chủ một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở huyện Hóc Môn, kể có ngày không thấy một xe bốn bánh nào ghé vào mua xăng E5 tại cửa hàng, chỉ có vài khách quen đến đổ loại xăng này. Tương tự, một đại lý xăng dầu tư nhân ở Củ Chi than phiền do rất ít người tiêu dùng mua E5 nên khu vực xã Vĩnh An của huyện này có khoảng 15 cửa hàng bán xăng dầu song chỉ có một cửa hàng bán E5.

Một cửa hàng bán xăng khác thì cho hay một tháng bán chỉ được 300-400 lít xăng E5, tương đương 10 khối. Thế nhưng cửa hàng phải đầu tư một trụ bơm, bồn chứa, vòi bơm, nhân viên… Kéo theo đó là tiền lương, thù lao, chưa tính chi phí khấu hao máy móc, chi phí vận chuyển. Do vậy, lợi nhuận không đủ bù đắp được chi phí.

“Với đặc tính của xăng E5, sản lượng tiêu thụ ít như vậy, nếu để trữ 10-15 ngày thì tỉ lệ hao hụt có thể chấp nhận được. Có điều chưa rõ chất lượng có bị giảm sút so với ban đầu hay không” - một DN không muốn nêu tên lo lắng.

Bỏ vốn đầu tư lớn để bán E5, trong khi thu về không được bao nhiêu, hiệu quả kinh doanh thấp nên có cửa hàng sau một thời gian bán xăng E5 nay quay lại bán xăng A92.

Điều này cũng được Sở Công Thương TP.HCM chỉ ra: Sau bảy tháng triển khai thí điểm bán xăng E5, sản lượng loại xăng này tiêu thụ bình quân chỉ đạt 4.523 m3/tháng, chiếm 3%/tổng sản lượng các loại xăng dầu cung ứng của TP. Một trong những nguyên nhân là do người tiêu dùng vẫn còn thói quen sử dụng xăng A92.

Người tiêu dùng quyết định

Tại cuộc họp mới đây với Sở Công Thương TP.HCM, các DN đầu mối, tổng đại lý xăng dầu tán đồng với chủ trương đến ngày 30-11 tới đây, 514 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP sẽ bán E5 và A95. Đồng thời, xăng A92 phải bị “xóa sổ” hoàn toàn thì việc triển khai theo lộ trình phân phối xăng E5 mới đạt hiệu quả.

Tuy vậy, trao đổi riêng với chúng tôi, một số DN nói để chủ trương trên đi vào thực tế thì giá cả cần hợp lý hơn. Bởi hiện giá bán lẻ xăng E5 chỉ thấp hơn 500 đồng so với A92. Điều này chưa thu hút được người tiêu dùng mua loại xăng trên. Thêm vào đó, cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đối với DN, sự ủng hộ của người tiêu dùng thì việc bán đại trà xăng E5 mới đạt được mục tiêu.

“Quan trọng là cần làm sao thuyết phục người dùng mua, chứng minh cho họ thấy giá trị sử dụng mà E5 mang lại. Thực tế hiện nay người dùng vẫn còn hoài nghi và chưa thấy hiệu quả thực sự của việc dùng xăng E5 là như thế nào” - ông Nguyễn Văn Tâm, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thương mại CN Củ Chi, nói.

Mặt khác, theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện TP có chín đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu thông qua hệ thống phân phối gồm sáu tổng đại lý và 514 cửa hàng bán lẻ. Hệ thống kho dự trữ xăng dầu có sức đảm bảo đủ năng lực cung ứng và dự trữ cho thị trường TP. Song một số tổng đại lý lo ngại TP.HCM là thị trường rất lớn, do vậy khi triển khai bán E5 đồng loạt thay vì bán song song cả E5 và A92 thì nguồn cung E5 sẽ không đủ.

Thêm nữa, làm sao có thể chế tài những cửa hàng xăng dầu không đồng ý bán xăng E5 vì không đạt lợi nhuận như mong muốn? Đồng thời, khi loại bỏ xăng A92 ra khỏi thị trường liệu người dùng có chuyển sang chọn A95 thay cho xăng E5 không cũng là bài toán chưa có lời giải. “Đây cũng là những vấn đề cần cơ quan chức năng xem xét kỹ trước khi cho triển khai đồng loạt” - nhiều DN lưu ý.

Cần giảm giá, thuế

TP.HCM kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi, giảm giá bán cồn Ethanol, hỗ trợ một phần chi phí pha chế sản xuất lưu thông bảo quản xăng E5; chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế chính sách giảm thuế, chiết khấu hoa hồng, phí, môi trường… để xăng E5 có giá bán phù hợp, hấp dẫn người dùng.

Không đơn giản

Đối với những cửa hàng xăng dầu lớn, đã có đủ hệ thống chứa, trụ bơm rồi thì khi chuyển đổi sang bán xăng E5 không gặp khó khăn nhiều. Với những cửa hàng nhỏ, muốn bán xăng E5 đòi hỏi phải đầu tư nâng cấp mới, kèm theo thủ tục giấy tờ phải thay đổi… nên không đơn giản.

Anh P., chủ cửa hàng xăng dầu tư nhân Hóc Môn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới