Ngày 4-8, Bộ Công Thương đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp (DN) giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu từ 15 giờ cùng ngày.
Theo đó, giá xăng RON 92 và E5 sẽ giảm 816 đồng/lít; dầu diesel giảm 819 đồng/lít; dầu hỏa giảm 638 đồng/lít; dầu madut giảm 562 đồng/kg. Ngay sau đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố mức giá bán lẻ mới: Xăng RON 92 còn 19.300 đồng/lít, xăng E5 còn 18.800 đồng/lít; dầu diesel 13.860 đồng/lít; dầu hỏa 13.110 đồng/lít; dầu madut 10.870 đồng/kg.
Giá xăng giảm xuống hơn 800 đồng/lít chiều 4-8. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 15 ngày qua giảm từ 4% đến 5,5% so với bình quân trước đó. Hiện giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân ở mức 61-62 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong vòng ba tháng qua, giá bán lẻ xăng dầu xuống dưới 20.000 đồng/lít. Tính chung từ đầu năm, giá xăng RON 92 đã giảm năm lần (tổng cộng 3.620 đồng/lít) và tăng bốn lần (tổng cộng 5.040 đồng/lít).
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng đáng lẽ giá xăng lần này phải giảm sâu hơn. Cơ quan quản lý cần yêu cầu DN xả quỹ bình ổn hoặc dừng trích quỹ bình ổn để giá xăng dầu trong nước có cơ hội giảm thêm. Như vậy người tiêu dùng sẽ được lợi hơn, giá xăng có thể giảm hơn 1.000 đồng/lít.
Theo ông Long, hiện nay giá xăng ở Mỹ trên dưới 14.000 đồng/lít. Trong bối cảnh khó khăn của DN Việt Nam hiện nay, cơ quan quản lý cần điều hành giá xăng dầu giảm để chia sẻ với DN. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giá cần có biện pháp “thúc” các DN vận tải nên giảm giá cước; bởi trong tháng này, giá xăng dầu đã giảm hơn 1.000 đồng/lít (tương đương giảm 6%-7%).
TS Ngô Trí Long dự báo giá dầu thô thế giới trong tháng 8 có thể giảm nhẹ quanh mốc 50-56 USD/thùng, do tình hình kinh tế bất ổn ở Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử càng tăng nguồn cung dầu ra thị trường trong những tháng tới và khả năng giá dầu còn giảm nữa.
Theo một báo cáo của Bộ Công Thương, giá dầu thô thế giới trong tháng 7 có xu hướng giảm mạnh gần 17% đối với dầu WTI và dầu Brent giảm khoảng 11%. Tương ứng giá dầu trung bình trong tháng giảm xuống còn 55-60 USD/thùng. Riêng phiên giao dịch ngày 20-7, giá dầu tiếp tục giảm với giá dầu WTI xuống dưới 50 USD/thùng, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 4-2015. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguyên nhân giá dầu thô thế giới giảm là do sản lượng dầu của Mỹ và các nước khác vẫn tiếp tục tăng. Tiêu thụ dầu tăng trong năm nay song nhiều nhà phân tích cho rằng chưa đủ để kéo giảm dư cung toàn cầu. |