Sáng 22-5, phiên xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ sáu, tiếp tục với phần xét hỏi.
Tại tòa, đại diện Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn, đơn vị kí hợp đồng bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, được HĐXX yêu cầu trình bày về quá trình kí kết và thực hiện hợp đồng nói trên.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc, nguyên giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh
Không có trách nhiệm bồi thường
LS Nguyễn Thị Đinh Hương, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời là đại diện của Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn, trình bày lại diễn biến đàm phán, thương thảo và kí kết hợp đồng sửa chữa hệ thống RO số 2.
Theo đó, tháng 4-2017, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đã mời Công ty Thiên Sơn lên khảo sát, báo giá về việc sửa chữa hệ thống RO2, sau đó chính thức kí kết hợp đồng vào ngày 25-5.
Tuy nhiên, ngay trong ngày 25-5, Công ty Thiên Sơn lại kí hợp đồng với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc. Quốc là người trực tiếp đến BV đa khoa tỉnh Hòa Bình để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.
Đáng chú ý, vị đại diện Công ty Thiên Sơn thừa nhận khi Bùi Mạnh Quốc đến BV thì công ty này không thông báo rằng Quốc là người của Công ty Trâm Anh, chỉ nói đó là người của Công ty Thiên Sơn lên sửa chữa máy móc.
Tại thời điểm ngày 28-5, Công ty Thiên Sơn chưa bàn giao hệ thống lọc nước RO số 2 cho phía BV vì còn phải chờ kết quả xét nghiệm AAMI từ 7- 10 ngày để kết luận nguồn nước đã đảm bảo hay chưa.
Bà Hương cho rằng nếu chưa có kết quả xét nghiệm mà đã đưa vào sử dụng là rất vô trách nhiệm, tuy nhiên Công ty Thiên Sơn không chịu trách nhiệm về sự cố xảy ra.
Đối với biên bản bàn giao vào chiều tối 28-5 (bị cáo Trần Văn Sơn khai đã lập khống sau khi sự cố xảy ra – PV) có chữ kí của Bùi Mạnh Quốc, đại diện Công ty Thiên Sơn cũng cho biết sẽ không chịu trách nhiệm, vì Quốc không liên quan và không phải người đại diện cho công ty.
Đại diện công ty này cũng nhiều lần khẳng định không có trách nhiệm phải đền bù cho gia đình các nạn nhân. Việc hỗ trợ cho gia đình 8 nạn nhân thời gian qua chỉ là tình nguyện chứ không phải trách nhiệm của công ty.
Về số tiền 370 triệu đồng, nghĩ rằng những bệnh nhân đang chạy thận là người thân thiết của Thiên Sơn, công ty đã ủy quyền cho BV trao số tiền này cho các bệnh nhân, nhưng sau đó BV đã nộp vào tài khoản của cơ quan thi hành án.
Vị đại diện tái khẳng định số tiền này không phải là bồi thường mà là sự hỗ trợ đến các gia đình nạn nhân.
Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa
Tại sao không xử lý hình sự?
Trước đó, trong phiên xử ngày 21-5, ngoài việc yêu cầu bồi thường các khoản thiệt hại, đại diện gia đình các nạn nhân tử vong trong sự cố chạy thận cũng đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của những người đã kí kết hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Cụ thể là ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình và ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn.
"Đề nghị xem xét lại chủ thể quản lý trong quá trình thực hiện hợp đồng bao gồm giám đốc BV và giám đốc Công ty Thiên Sơn. Quá trình xét hỏi cho thấy ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm" – một người nhà nạn nhân nói trước HĐXX.
Trong khi đó, tại phần xét hỏi của mình, LS Nguyễn Danh Huế, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, đã đề nghị HĐXX cho phép đặt câu hỏi với ông Bùi Tuấn Nghĩa, điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án.
LS Huế nói rằng ngày 8-1-2018, Công an tỉnh Hòa Bình có gửi một công văn sang Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình, trong đó có ý kiến khẳng định việc chuyển nhượng thầu 100% giữa Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn sang cho Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.
Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình chỉ có kiến nghị tới Sở KH&ĐT cấm đấu thầu đối với Công ty Thiên Sơn, còn về xử lý hình sự thì chưa đủ hoặc chưa xem xét. Điều này là căn cứ vào đâu?
Tuy nhiên, vị chủ tọa cho rằng việc ký biên bản là thẩm quyền của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, không thuộc thẩm quyền của ĐTV Bùi Tuấn Nghĩa nên không thể trả lời.
Trao đổi với báo chí, LS Huế cho rằng theo Điều 89 Luật Đấu thầu, doanh nghiệp không được chuyển nhượng quá 10% hợp đồng, nhưng Thiên Sơn đã chuyển nhượng 100% để ăn lợi nhuận gấp đôi. Cụ thể, giá gói thầu sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 được Thiên Sơn kí với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình có giá 100 triệu đồng, nhưng ngay sau đó, công ty này đã chuyển nhượng lại cho Công ty Trâm Anh với báo giá chỉ gần 50 triệu đồng.
“Hành vi chuyển nhượng thầu của Công ty Thiên Sơn đã gây sự cố đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại chỉ kiến nghị xử lý như trên là rất bất ngờ” – ông Huế nhận định.