Sáng 21-5, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến tám người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ năm với phần trình bày yêu cầu của đại diện gia đình các nạn nhân.
Truy trách nhiệm cựu giám đốc bệnh viện
Tại tòa, tám gia đình người bị hại cũng như luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình đã đề nghị một số vấn đề đáng chú ý. Theo đó, các gia đình đề nghị HĐXX xem xét các khoản bồi thường theo từng con số đưa ra, tuyên BS Lương vô tội, xem xét cho hai bị cáo còn lại được hưởng mức án nhẹ để sớm làm lại tương lai…
Đáng chú ý, trong số này, nhiều gia đình đã đề nghị tòa xem xét trách nhiệm của ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Cụ thể, trong vụ việc này, ông Trương Quý Dương là người trực tiếp ký hợp đồng bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO với Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn do ông Đỗ Tuấn Anh làm giám đốc.
Bị cáo Hoàng Công Lương trao đổi với luật sư của mình tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Ông Đinh Văn Tính, cha nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng, cho rằng tòa cần phải xử đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm.
“Chúng tôi hiểu việc cho bệnh nhân uống thuốc gì, điều trị bệnh gì là của bác sĩ, trang thiết bị là trách nhiệm của phòng vật tư. Trách nhiệm là của ông Trương Quý Dương vì ký hợp đồng với nơi không đảm bảo chuyên môn" - ông Tính nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hiếu Cường cho biết không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường, bởi Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn "cũng là nạn nhân trong hệ thống quản lý".
"Đề nghị xem xét lại chủ thể quản lý trong quá trình thực hiện hợp đồng bao gồm giám đốc BV và giám đốc Công ty Thiên Sơn. Quá trình xét hỏi cho thấy ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm" - ông Cường nói.
Trong một diễn biến khác, theo thông tin từ gia đình ông Trương Quý Dương nói với báo chí, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xuất ngoại sang Canada từ tháng 4-2018, dự kiến tháng 6-2018 mới trở về Việt Nam. Ông Dương đi nước ngoài để chăm sóc cháu ngoại của mình bị ốm.
Ông Dương đã ủy quyền cho ông Đỗ Quốc Quyền tới tòa. Tuy nhiên, ông Quyền cũng chỉ có mặt vào ngày đầu tiên của phiên tòa, khi nội dung chủ yếu là kiểm tra thủ tục và công bố cáo trạng, sau đó vắng mặt nhiều ngày.
Việc cả ông Trương Quý Dương và người đại diện của mình liên tục vắng mặt khiến nhiều câu hỏi của các luật sư bào chữa cho các bị cáo chưa thể có câu trả lời.
Gợi ý ký đơn không kiện tụng?
Bà Nguyễn Thị Tiện, vợ nạn nhân Bùi Văn Huyển, kể rằng vào sáng 29-5, chồng bà vẫn tự lái xe đến BV đa khoa tỉnh Hòa Bình để chạy thận. Thế nhưng đến hơn 9 giờ cùng ngày, bà Tiện nhận được cuộc điện thoại của chồng mình bảo tới BV. “Chồng tôi gọi điện thoại bảo ra nhanh với ông ấy, khi đó chồng tôi đang rất đau bụng và buồn nôn. Tôi có nói lại là đợi tí em ra luôn” - bà Tiện kể lại.
Bà Nguyễn Thị Tiện, vợ nạn nhân Bùi Văn Huyển. Ảnh: TUYẾN PHAN
Khi ra tới BV, bà thấy chồng mình đang nằm trên giường nhưng lúc đó nhìn ông rất mệt mỏi. Một lúc sau, một bác sĩ tên N. đã gọi bà vào phòng trực để nói chuyện.
“Bác sĩ gọi tôi vào phòng riêng bảo chồng tôi sốt cao, bệnh này khó lắm, mang về đi, đồng thời bảo tôi ký vào một tờ đơn đã viết sẵn với nội dung là không kiện tụng gì BV nếu chồng tôi chết, lúc đó tôi rối bời nên không nghĩ được gì cả” - bà Tiện cho hay.
Cũng theo người phụ nữ này, sau đó bà còn nhiều lần được bác sĩ gọi vào phòng, rồi nói BV sẽ sắp xếp xe đưa chồng bà về.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Căn, vợ nạn nhân Bùi Văn Pơi, cho biết dù sự việc xảy ra đến nay đã gần một năm nhưng bản thân cũng như toàn thể gia đình vẫn chưa hết đau lòng, mệt mỏi.
Chồng bà Căn bị suy thận từ năm 2012 và được điều trị tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình từ ngày đó. Sáng 29-5, bà đưa chồng đến đơn nguyên thận nhân tạo để tiến hành chạy thận như bao lần.
Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, ông Pơi có nhiều biểu hiện khó thở, liên tục há miệng, nôn mửa, cùng nhiều triệu chứng bất thường nên bà vội chạy sang báo bác sĩ cùng điều dưỡng. Sau khi được chuyển lên khoa hồi sức tích cực, đến 23 giờ cùng ngày thì ông Pơi tử vong.
Sau khi kể về những nỗi đau đã phải trải qua của mình, đại diện các gia đình người bị hại bày tỏ mong muốn sẽ chôn cất các nạn nhân tại một ngôi mộ tập thể, bởi “khi sống thì cùng nhau chữa bệnh, khi chết đi cũng muốn được bên nhau”.
Họ cũng hy vọng khu mộ tập thể của các nạn nhân sẽ là chỉ dấu cảnh báo cho ngành y. Những người có trách nhiệm và những người công tác trong ngành y nhìn vào "chỉ dấu" đó để rút kinh nghiệm và không để xảy ra vụ việc đau lòng khác.