Xử lý cán bộ về hưu: Hết ‘hạ cánh an toàn’

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã có hiệu lực từ ngày 1-7. Một trong những điểm đáng chú ý của luật này là quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Liên quan đến nội dung này, Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn ông Nguyễn Tư Long (Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ), người tham gia quá trình soạn thảo luật sửa đổi, bổ sung.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương với hệ thống công vụ

. Phóng viên:“Cách chức nguyên...” là cụm từ hay được nghe thấy mấy năm gần đây trong lĩnh vực kỷ luật Đảng. Nhưng thể chế hóa thành kỷ luật hành chính cho người đã rời khỏi khu vực công thì dư luận vẫn còn băn khoăn lắm. Ông nhìn nhận như thế nào về dư luận này?

Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM. Ảnh:  NGHĨA NHÂN 

+ Ông Nguyễn Tư Long: Bổ sung quy định về xử lý kỷ luật với CBCCVC đã nghỉ việc, nghỉ hưu thực ra là mở rộng phạm vi áp dụng chế tài kỷ luật được quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành.

Băn khoăn đầu tiên ở đây là phải tính toán, xử lý về kỹ thuật thế nào để vẫn đảm bảo tính hệ thống cũng như các nguyên tắc của pháp luật trong lĩnh vực công chức, công vụ.

Với tinh thần ấy, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được bổ sung quy định về áp dụng hai luật này với đối tượng khác, cụ thể ở đây là CBCCVC đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Bổ sung như vậy là nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc tăng cường, siết chặt kỷ luật, nghiêm khắc, triệt để hơn với đảng viên, kể cả khi họ đã nghỉ hưu. Tinh thần là không chấp nhận “hạ cánh an toàn”.

Về tính hiệu quả, khả thi thì không phải bây giờ mà trong quá trình dự thảo, kể cả ra Quốc hội vẫn còn ý kiến khác nhau. Nhưng chung cuộc thì Quốc hội vẫn thông qua các quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.

. Pháp lệnh Cán bộ, công chức trước đây cũng như các luật sau đó đều không quy định truy cứu trách nhiệm kỷ luật với người đã nghỉ hưu hoặc rời khu vực công. Vậy triết lý lúc ấy là gì và giờ tại sao lại phải đưa vào?

+ Trước đây, ta quan niệm luật chỉ áp dụng với người đang làm việc, vì đó mới là CBCCVC. Còn khi ra khỏi khu vực công rồi thì anh không chịu sự điều chỉnh của luật về CBCCVC nữa. Với lại, kỷ luật đảng về quy định cũng đã rất nghiêm, theo suốt cuộc đời đảng viên. Nếu thực thi đầy đủ được thì cũng tốt lắm rồi.

Còn từ sau Đại hội XII đến giờ, Đảng có chủ trương xử lý kỷ luật nhà nước phải đảm bảo tương ứng với kỷ luật Đảng. Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật chính quyền, đã xử lý kỷ luật Đảng thì phải chuyển sang để xem xét, xử lý kỷ luật chính quyền, kể cả đối với trường hợp đã nghỉ hưu. Đó là tình hình mới, yêu cầu mới để mà sửa đổi, bổ sung.

Thảo luận lúc ấy cũng có ý kiến khác nhau nhưng nhìn vào hiệu quả và tính cần thiết thì thấy phù hợp với đặc thù thể chế ở nước ta.

Chẳng hạn ở các nước, Quốc hội chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm với người được Quốc hội bầu, phê chuẩn khi họ có vi phạm hoặc liên đới chịu trách nhiệm đối với một hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nào đó trong lĩnh vực quản lý của mình. Còn ở ta thì quy định cho phép lấy phiếu tín nhiệm định kỳ - rất khác về bản chất với bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng lại rất hiệu quả trong việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Qua thực tế kỷ luật Đảng thì thấy việc không có vùng cấm, không có ngoại lệ với đảng viên đã nghỉ hưu, mang lại hiệu quả rất tốt. Vậy trước tình hình mới, yêu cầu mới, việc siết hơn kỷ luật hành chính với CBCCVC nghỉ hưu cũng là một cách để tăng cường kỷ luật, kỷ cương với hệ thống công vụ.

Đánh vào uy tín, danh dự

. Kỷ luật đối với CBCCVC có nhiều cấp độ, từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương đến giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc. Vậy với người đã nghỉ hoặc ra khỏi khu vực công thì có những hình thức kỷ luật nào? Và liệu có thực sự hiệu quả không?

+ Theo quy định của luật cũng như dự thảo nghị định hướng dẫn thì người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong quá trình công tác thì có thể bị xử lý bởi các hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Các hình thức kỷ luật này hiệu quả chủ yếu về mặt tinh thần, uy tín, danh dự. Với người trọng uy tín, trọng danh dự thì bất cứ hình thức kỷ luật nào cũng mang lại hiệu quả.

. Đảng viên thì suốt đời chịu sự quản lý, giám sát của tổ chức Đảng thì việc kiểm tra, kỷ luật còn dễ. Nhưng CBCCVC nghỉ hưu rồi, rời bỏ khu vực công rồi thì về mặt tổ chức có chịu sự quản lý nào đâu. Liệu có khả thi cho việc tổ chức xử lý kỷ luật hành chính không?

+ Đây thực sự là một thách thức cần phải tính toán rất kỹ, một mặt bảo đảm thực thi theo đúng tinh thần luật định, mặt khác cũng bảo đảm tính khả thi…

Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo nghị định về xử lý kỷ luật CBCCVC, trong đó giải pháp là liên thông việc xử lý kỷ luật hành chính với người đã nghỉ hưu với việc xử lý kỷ luật về mặt Đảng.

Ngoài ra, trình tự, thủ tục cũng đơn giản, gọn hơn. Chẳng hạn, với công chức đang làm việc thì xử lý kỷ luật phải qua ba bước: Tổ chức họp kiểm điểm; thành lập hội đồng xử lý kỷ luật, họp biểu quyết; trên cơ sở đó, người có thẩm quyền mới ra quyết định kỷ luật.

Còn với công chức đã nghỉ hưu thì chỉ qua hai bước. Cụ thể, sau khi có quyết định xử lý kỷ luật của Đảng, bộ phận tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan trước đây từng quản lý, sử dụng người đó đã có thể đề xuất hình thức kỷ luật. Tiếp theo là cấp có thẩm quyền kỷ luật ra quyết định kỷ luật.

Đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe và tính khả thi

. số lượng CBCCVC đã thôi việc, nghỉ hưu hiện nay là rất lớn. Vậy việc xử lý kỷ luật có bao quát được hết số lượng CBCCVC đã rời khu vực công ấy không?

+ Về pháp luật thì quy định phải bao quát. Nhưng về xử lý trên thực tế, trong cuộc họp gần đây nhất của lãnh đạo Chính phủ với Bộ Nội vụ về dự thảo nghị định này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu rà soát đối tượng. Làm sao bảo đảm quy định này phải bao quát để phòng ngừa, răn đe nhưng cũng bảo đảm tính khả thi, đặc biệt tập trung xử lý nghiêm những người từng giữ chức vụ, quyền hạn.

Kỷ luật của Đảng cũng theo hướng ấy thôi. Các quy định về trách nhiệm nêu gương bên cạnh yêu cầu chung với đảng viên thì có quy định riêng cụ thể, chi tiết với đảng viên nắm giữ chức vụ cao, tham gia cấp ủy, là người đứng đầu. Các nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng cũng nhấn mạnh tập trung vào đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn.

Về tính khả thi, khi nghiên cứu, sửa đổi Luật CBCCVC và Luật Viên chức, cũng như bây giờ đang làm nghị định hướng dẫn, chúng tôi đều thống nhất rằng công tác cán bộ là công tác của Đảng. Đảng có tổ chức, có bộ máy quản lý, giám sát, kiểm tra, kỷ luật với đảng viên rất sâu rộng. Vậy nếu việc giám sát, kiểm tra ấy làm tốt, đi trước, phát hiện sớm, cảnh báo sớm, xử lý về Đảng toàn diện thì việc xử lý kỷ luật hành chính hay kể cả trách nhiệm hình sự với đảng viên sẽ rất thuận lợi.

Làm được vậy thì cũng là đảm bảo nguyên tắc mà Đảng đã nhấn mạnh trong Quy định 102 cũng như các quy định trước đây về xử lý kỷ luật đảng viên. Theo đó, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”.

. Xin cám ơn ông.

Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu bị xử lý sao?

Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:

a) Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật;

b) Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1-7-2020 được thực hiện theo quy định của luật này.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

 Việc xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1-7-2020 được thực hiện theo quy định của luật này.

Chính phủ quy định việc xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

 (Trích Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ,
công chức và Luật Viên chức)

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Bà NGUYỄN THỊ BÍCH NGÀỦy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Kỷ luật Đảng: ‘Cách chức nguyên...’ không mới

Xử lý cán bộ về hưu: Hết ‘hạ cánh an toàn’ ảnh 3
 

Từ trước đến nay, các quy định của Đảng về xử ký kỷ luật đảng viên vi phạm đều nêu rõ: Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận. Nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Thực tiễn công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng cũng như vậy. Khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm thì Đảng đều kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, kể cả khi ai đó đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Quyết định thi hành kỷ luật đều nói rõ hình thức kỷ luật với chức danh nào, ở giai đoạn nào, nhiệm kỳ nào.

Như vậy, việc khiển trách, cảnh cáo hay cách chức với đảng viên nguyên là cán bộ lãnh đạo không phải là việc mới. Nhưng vì trước đây công tác kiểm tra, kỷ luật thường được coi là công việc nội bộ, không tuyên truyền, đưa tin nhiều.

Đến khóa này, kiểm tra, kỷ luật Đảng được đẩy mạnh hơn, tuyên truyền nhiều hơn nên đâu đó có thể thấy lạ, thấy mới.

Ông VŨ TRUNG KIÊN Học viện Chính trị khu vực II:

Răn đe người có tư tưởng ‘hạ cánh an toàn’

Xử lý cán bộ về hưu: Hết ‘hạ cánh an toàn’ ảnh 4
 

Ở Việt Nam, đối với những người giữ chức vụ cao, khi nghỉ hưu vẫn còn có nhiều quyền lợi khác đi kèm. Vì vậy, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm thì tất cả lợi ích mà họ được hưởng nhờ cái tư cách “nguyên” này sẽ không còn.

Hơn nữa, Việt Nam là một nước phương Đông, dù là quan chức cấp cao họ vẫn phải sống với bà con lối xóm, khu phố. Đảng viên là cán bộ nghỉ hưu, họ phải tham gia sinh hoạt Đảng tại nơi cư trú sau khi nghỉ hưu. Vì vậy, nếu một quan chức khi nghỉ hưu bị bêu tên, bị kỷ luật xóa tư cách “nguyên” này, ít nhất họ cũng cảm thấy xấu hổ. Đó chính là cách răn đe gián tiếp để những người có tư tưởng “hạ cánh an toàn” phải tự chấn chỉnh lại mình, tự sửa đổi để làm việc có trách nhiệm hơn.

Không những vậy, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, Công chức và Luật viên chức lần này ghi rõ, đó là: “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật”. Như vậy, những người vi phạm không chỉ bị xóa tư cách chức vụ đã giữ mà còn phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật tương ứng với hệ quả pháp lý mà hành vi vi phạm của họ gây ra.

Tuy có những tác dụng như đã phân tích nêu trên, song một câu hỏi đặt ra là vậy những người giả sử bị kỷ luật xóa tư cách “nguyên” thì những quyết định, văn bản… họ ký khi đương chức có còn hiệu lực không. Đương nhiên, chắc chắn chúng vẫn còn hiệu lực, bởi đơn giản nếu lật lại vấn đề thì mọi chuyện sẽ rối tung hết cả. Như vậy, rõ ràng là chỉ người ký phải chịu trách nhiệm với hành vi sai phạm của mình, chứ văn bản, quyết định mà họ ký “không có tội tình gì”. Tất nhiên, với những cách hiểu lắt léo như trên thì các văn bản liên quan hướng dẫn thi hành điều khoản này tới đây phải minh định điều này thật rõ ràng.

NGHĨA NHÂN - LÊ THOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm