Xử vụ Liên Kết Việt: Lấy mỡ người sau rán người trước

Ngày 22-12, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bảy bị cáo thuộc Công ty Liên Kết Việt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lấy tiền người sau trả cho người trước
Theo cơ quan tố tụng, Lê Xuân Giang (chủ tịch HĐQT công ty) cùng các bị cáo trả thưởng cho người tham gia theo mô hình kim tự tháp, lấy tiền của người sau trả cho người trước chứ không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp.
Điều này dẫn tới hệ quả những người càng ở trên đỉnh tháp thì càng được hưởng lợi, ngược lại những người bên dưới chiếm số đông lại đối diện nguy cơ trắng tay.
Bằng nhiều thủ đoạn gian dối, Giang cùng đồng phạm lôi kéo 68.000 người từ 49 tỉnh/TP khác nhau tham gia, qua đó thu của họ hơn 2.100 tỉ đồng. Số tiền này Giang sử dụng hơn 1.100 tỉ đồng chi cho các nhà phân phối và hoạt động của công ty, sử dụng hơn 862 tỉ đồng để chi tiêu cá nhân…
Khai với HĐXX, Giang cho biết khi công ty mới đi vào hoạt động, mô hình kinh doanh diễn ra bình thường, lượng khách hàng nhỏ, chỉ vài trăm người. Lúc ấy công ty xuất hàng hóa cho khách và trả hoa hồng đúng theo cam kết.
Tuy nhiên, sau này công ty phát triển quá nhanh, ngoài trình độ quản lý và sức tưởng tượng, Giang “lúng túng, không biết cách kiểm soát”. Giang đổ cho cấp dưới vì muốn trục lợi nên cố tình khuếch trương khiến người khác hiểu sai về mô hình hoạt động của công ty, chứ bản thân bị cáo luôn muốn “làm ăn chân chính”.

Lê Xuân Giang (đứng) cùng các bị cáo tại tòa ngày 22-12. 

Đút túi hàng chục tỉ nhưng không biết tại sao
Là một trong những nhân viên hưởng lợi bất chính nhiều nhất, Nguyễn Thị Thủy (phó tổng giám đốc) nhận tới hơn 38 tỉ đồng chỉ từ tháng 4-2014 đến tháng 9-2015. Tính trung bình mỗi tháng Thủy “ẵm” 2,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, đứng trước tòa, Thủy phủ nhận cáo buộc mình có vai trò cao nhất trong nhóm đồng phạm của Giang. 
Thủy nói được Giang thuê về làm nhân viên tư vấn, không giữ bất cứ chức vụ nào. Trong nhóm “mọi người bảo nhau làm việc”, không ai làm lãnh đạo. Bị cáo chỉ có nhiệm vụ trả lời khách hàng về sản phẩm, công ty và chính sách trả thưởng dựa trên thông tin Giang cung cấp, không tác động hay thuyết phục khách mua hàng.
Khi HĐXX truy vấn nếu chỉ tư vấn tại sao lại được hưởng nhiều lợi nhuận như vậy, Thủy biện minh “không rõ”, chỉ nhận tiền theo “chính sách của công ty”.
Đứng sau Thủy về thu nhập là Trịnh Xuân Sáng (thành viên nhóm phát triển thị trường). Chỉ trong 16 tháng làm việc tại Công ty Liên Kết Việt, Sáng hưởng lợi tới 17 tỉ đồng.
Công việc của Sáng là giám sát, quản lý, hỗ trợ bộ phận IT, hỗ trợ bị hại đăng nhập vào ID trên website của công ty, xây dựng phần mềm trả thưởng đồng thời thống kê định kỳ số lượng khách và tiền họ đã nộp. Với mỗi khách nộp tiền, Sáng được Giang chia cho 40.000 đồng. 
Khi tòa chất vấn về số tiền hưởng lợi, cũng giống như Thủy, Sáng khai hiểu đây là chính sách của công ty chứ cũng “không rõ tại sao”.
Tương tự, nhiều bị cáo khác thuộc Công ty Liên Kết Việt cũng được Lê Xuân Giang mạnh tay chi trả nhiều tỉ đồng trong một thời gian ngắn. Số tiền này đều lấy từ tiền mà 68.000 người tham gia nộp mua mã sản phẩm.
Hôm nay (23-12), tòa tiếp tục làm việc.

“Vừa được thuốc, vừa được tiền nên theo”

Có mặt tại tòa, nhiều bị hại là người cao tuổi, lặn lội từ nhiều tỉnh, thành khác nhau về theo dõi phiên xử. Trả lời về việc tham gia đầu tư đa cấp cũng như chính sách trả thưởng của Công ty Liên Kết Việt, hầu hết họ đều rất mơ hồ, không hiểu bản chất.

“Bà hiểu như thế nào về số tiền hoa hồng mà mình được hưởng?” - chủ tọa hỏi một bị hại 68 tuổi đến từ Quảng Ninh. Vốn bao năm quanh quẩn với mảnh ruộng, cụ bà ấp úng vài giây rồi nói “không biết, không rõ”. Bà chỉ nhớ có một người ngày nào cũng gọi điện thoại chào mua, nghe thấy vừa được thuốc lại vừa được tiền, ham quá nên tin theo.

Nhiều bị hại khác cho biết họ được tham dự các hội nghị do công ty tổ chức, được xem nhiều video, hình ảnh, nghe thuyết trình… nên tin rằng công ty là của Bộ Quốc phòng. Vì niềm tin ấy, họ “nướng” hết số tiền tích cóp của mấy chục năm, thậm chí đi vay mượn để ôm mộng làm giàu.

Tuy nhiên, họ không thể ngờ số tiền dưỡng già của mình “một đi không trở lại”. Trong khi họ túng quẫn, khánh kiệt, thậm chí phải trốn biệt thì các bị cáo vẫn ngày ngày hưởng lợi tiền tỉ từ đường dây đa cấp do mình tổ chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm