Xuất hiện nhiều vụ mua bán sáp nhập giá trị trăm triệu USD

(PLO) - Hơn 50% tổng giá trị giao dịch các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trong năm 2024 đến từ ngành bất động sản

Chiều 27-11, Diễn đàn mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam - M&A Vietnam Forum 2024 lần thứ 16 do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức diễn ra tại TP.HCM.

Các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định kinh tế đang từng bước phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) sẽ được kích hoạt mạnh mẽ.

Chủ yếu doanh nghiệp "nội" mua bán sáp nhập

Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết theo tổng hợp từ KPMG thị trường mua bán sáp nhập (M&A) của Việt Nam, ba quý đầu năm 2024 vẫn đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỉ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong năm 2024, có xu hướng các thương vụ mua bán sáp nhập không phải nhà đầu tư nước ngoài mua các công ty trong nước, mà là các công ty trong nước mua bán nhau. Do chính sách các nước bảo hộ hơn, dòng tiền ngần ngại chảy ra nước ngoài khi lãi suất ở mức cao.

Theo ông Ái, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại.

Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Xu hướng này còn cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự tiếp cận thị trường M&A ở Việt Nam thận trọng hơn.

Xét về cơ cấu, hoạt động giao dịch M&A 9 tháng đầu năm 2024 chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực bất động sản (chiếm 53%), Tiêu dùng thiết yếu (14%), và Công nghiệp (21%). Ba lĩnh vực này chiếm tổng cộng 88% giá trị giao dịch và nằm trong top những thương vụ M&A lớn nhất.

Nhiều thương vụ mua bán sáp nhập giá trị lớn hàng trăm triệu USD đến từ lĩnh vực bất động sản.

Các giao dịch M&A có giá trị từ 40 - 112 triệu USD cũng diễn ra trong các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ thông tin.

M&A năm 2025 dự báo nhộn nhịp

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, mua bán sáp nhập (M&A) đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút vốn đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam.

"Thị trường M&A Việt Nam vẫn luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng, là nơi có thể đặt niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng cũng như cơ hội đầu tư", ông Tâm nói.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, Quốc hội vừa thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, là năm cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2025, được xác định là năm bứt phá để về đích, tạo tiền đề đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Một trong những mục tiêu quan trọng năm 2025 là tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%.

Để thực hiện mục tiêu này, Quốc hội đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2025, trong đó, có việc quyết liệt tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn.

“Tôi tin là, khi các giải pháp đề ra được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam có thể tạo sự đột phá, tăng tốc để về đích trong năm 2025. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để chúng ta có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư thông qua hình thức M&A nói riêng” Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nói.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cũng theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 65 dự án bất động sản, với số vốn đầu tư 129.000 tỉ đồng đang gặp vướng mắc về pháp lý, nếu tháo gỡ được các dự án này sẽ có lượng vốn rất lớn đưa vào nền kinh tế.

“Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động M&A sẽ được kích hoạt mạnh mẽ. Tôi tin rằng, thời gian tới, hoạt động M&A sẽ sớm phục hồi, nhộn nhịp trở lại và phát triển mạnh mẽ”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhận định.

Tổng giá trị giao dịch của thị trường mua bán sáp nhập (M&A) Việt Nam trong ba quý đầu năm 2024 đạt 3,2 tỉ USD.

Theo ông Oh Hsiu-Hau, Luật sư điều hành, Công ty Allen & Gledhill (Việt Nam), sắp tới ngành sẽ được hưởng lợi nhiều việc hoàn thiện chính sách là ngành bất động sản. Bất động sản đang có những thay đổi về chính sách vĩ mô.

Điều này sẽ mang nhiều cơ hội và giải tỏa về những vùng xám về chính sách đầu tư. Các quy định về Luật đất đai có những sửa đổi tích cực cũng sẽ giảm bớt việc đầu cơ trong lĩnh vực này.

“Ngoài bất động sản, trong năm 2025, ngành năng lượng và chăm sóc sức khỏe cũng đã có nhiều sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư”- ông Oh Hsiu-Hau chia sẻ.

Vốn ngoại “ngắm” bất động sản ESG Việt Nam

Xu hướng bất động sản toàn cầu đã thay đổi cả bất động sản Việt Nam, nên cần xem xét xu hướng toàn cầu. Chúng tôi xem xét các xu hướng hiện tại nhưng cũng có xu hướng bất động sản mới như bất động sản dưỡng lão, trung tâm dữ liệu. Tức chúng tôi liên kết rất mạnh mẽ với toàn cầu để xem gió thổi hướng nào.

Cũng có nhiều quỹ quốc tế họ chú trọng hơn đến tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG, chúng tôi sẽ đảm bảo các sản phẩm đang xây dựng, bán hàng đạt yêu cầu về ESG, các sản phẩm luôn cố gắng đạt giấy chứng nhận phát triển xanh, bền vững.

Việt Nam luôn là thị trường thú vị, với kinh tế phát triển, dân số vàng, rất nhiều quỹ đầu tư đang trông mong vào Việt Nam, đây là thời điểm quan trọng để các công ty nước ngoài phối hợp công ty địa phương. Chúng ta cũng cần trao đổi giữa nhà đầu tư toàn cầu và doanh nghiệp địa phương, vì các công ty nước ngoài mang lại dòng vốn, còn công ty trong nước mang lại kinh nghiệm, khẩu vị đầu tư. Trong năm sau, với quy định, chính sách mới, chúng tôi cũng có một số dự án mới, hy vọng sự thay đổi vĩ mô sẽ được chuyển dịch thành hiện thực.

Ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao, RECOF Corporation

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới