Sáng 14-3, đúng 28 năm sau ngày 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh dũng ngã xuống trong trận hải chiến Trường Sa với quân xâm lược Trung Quốc (14-3-1988 - 14-3-2016), những đồng đội của các anh đã về Nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) tổ chức tưởng niệm ngày mất của các anh.
Ban tổ chức đã chuẩn bị một mâm cúng nhỏ với đầy đủ lễ vật cùng 64 ngọn đèn tượng trưng cho 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến 28 năm về trước. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân và thân nhân Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương - người đã anh dũng ngã xuống trước sự hung hãn của súng đạn quân xâm lược và trên tay vẫn giữ vững ngọn cờ Tổ quốc.
Mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phương và các đồng đội cũ thắp hương tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa. Ảnh: LÊ VĂN
Chủ tế buổi lễ đọc bài văn tế gửi đến anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì nước để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Họ tên của 64 chiến sĩ Gạc Ma được đọc to và rõ cùng với những chiến công của 64 chiến sĩ đã tham gia trong trận đánh Gạc Ma năm 1988.
Mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phương bên các đồng đội của con trai mình thắp hương tưởng nhớ đến anh. Ảnh: LÊ VĂN
Theo bước chân tri ân, những cựu binh Gạc Ma lần lượt dâng những nén nhang thơm lên phần mộ liệt sĩ Trần Văn Phương cùng phần mộ những liệt sĩ khác đang an nghỉ tại nghĩa trang này.
Các anh mừng tủi, ôm lấy nhau và vây quanh mẹ Hồ Thị Đức, mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phương, người đồng đội đã mãi mãi nằm lại với Gạc Ma.
Những chiến sĩ Gạc Ma năm xưa vẫn không bao giờ quên trận hải chiến năm ấy. Ảnh: LÊ VĂN
Liệt sĩ Trần Văn Phương chính là người chỉ huy lực lượng bảo vệ và xây dựng đảo Gạc Ma. Khi Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo, nổ súng tấn công, Thiếu úy Trần Văn Phương đã dũng cảm hy sinh khi giữ lá cờ Tổ quốc.
Câu nói của liệt sĩ Trần Phương: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng" đã trở thành bất diệt. Anh mãi mãi nằm xuống với Trường Sa và cũng sẽ luôn ở trong trái tim mỗi người dân nước Việt.
Các anh lặng lẽ cúi mình tưởng niệm đồng đội. Ảnh: LÊ VĂN
Giơ tay gạt giọt nước mắt trên bờ mi, mẹ Hồ Thị Đức nghẹn ngào nói về đứa con trai của mình. “Tôi lấy chồng, sinh được bốn thằng con trai, thằng Phương là con đầu. Nó lấy vợ mới bảy tháng thì hy sinh ngoài đảo Gạc Ma. Hồi đó, vợ nó mang bầu mới được vài tháng. Nó hy sinh khi chưa kịp nhìn mặt con gái” - mẹ Đức chia sẻ.
Theo mẹ Đức, con gái liệt sĩ Phương tên là Trần Thị Thủy hiện cũng theo bước chân cha mình công tác trong lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Cựu binh Lê Hữu Thảo sửa lại chiếc áo cho mẹ liệt sĩ Trần Văn Phương, người mà anh đã coi như chính là mẹ ruột của mình. Ảnh: LÊ VĂN
Được biết tỉnh Quảng Bình có 13 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Bên cạnh đó, hiện còn 12 cựu binh Gạc Ma đang sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau ở Quảng Bình nhưng rất ít người được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.
Trong những năm gần đây, anh Lê Hữu Thảo, người từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma, đã đứng ra thành lập Ban Liên lạc cựu binh hải quân 604 (đặt tên theo tàu HQ 604).
64 ngọn nến tượng trưng cho 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Ảnh: LÊ VĂN
Cứ đến ngày 14-3 hằng năm, anh Thảo đều cùng các cựu binh Gạc Ma hẹn nhau tập trung về Quảng Bình để tổ chức lễ cúng tưởng nhớ liệt sĩ Trần Văn Phương và các đồng đội của mình đã anh dũng ngã xuống vì chủ quyền Tổ quốc.
"Buổi lễ tri ân này chính là điểm hẹn đặc biệt, nơi chúng tôi gặp gỡ, động viên nhau vượt lên khó khăn để góp sức xây dựng đất nước trong thời bình. Hằng năm chúng tôi hẹn nhau đến đây để nhớ về những đồng đội của mình đã ngã xuống. Các anh không cô đơn mà luôn có chúng tôi bên cạnh" - anh Thảo tâm sự.