Nước Ý đến nay vẫn chưa phải gánh chịu cơn cuồng nộ của các phần tử khủng bố IS cho dù các vụ tấn công của “quân cờ đen” đã xuất hiện ở hầu hết nước lớn khác tại châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Đức và Pháp suốt ba năm qua.
Mối đe dọa có thực
Theo tạp chí The Economist, cuối tháng 8 vừa qua, trên mạng tin nhắn mã hóa Telegram, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã cho lan truyền các hình ảnh và thông điệp kích động các vụ tấn công kiểu “sói đơn độc” nhắm vào người Ý. Bức ảnh diễn tả một nam thanh niên trẻ quay lưng, tay cầm một con dao lớn với thông điệp “Devi combatterli” (“Các anh phải chiến đấu”) viết bằng tiếng Ý. Những hình ảnh này đã được nhóm tình báo Site (SIG), chuyên tổ chức giám sát hoạt động liên lạc của các phần tử thánh chiến, ghi nhận.
Trước đó chỉ vài ngày, các trang mạng xã hội cũng đã lan truyền một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh các tay súng chân rết IS cướp phá một nhà thờ Công giáo tại Philippines, xé nát bức ảnh của Đức Giáo hoàng Francis. Trong đoạn clip trên, một tay súng đeo mặt nạ đã chỉ thẳng vào máy ghi hình và tuyên bố: “Các người. Những kẻ vô thần. Hãy nhớ lấy điều này. Chúng ta sẽ đánh đến Roma, theo đúng ý đấng Allah”. Đó chỉ là hai trong số không ít lần tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới vài năm qua đe dọa đặt chân lên đất nước hình chiếc ủng, hay cảnh báo sẽ tấn công đến Tòa thánh Vatican.
Những rủi ro bị tấn công là hoàn toàn có thật. Nằm ven vùng biển Địa Trung Hải, nước Ý trong suốt hai năm qua là cửa ngõ bất đắc dĩ tiếp nhận làn sóng người tị nạn và người nhập cư bất hợp pháp khổng lồ từ khu vực Bắc Phi và vùng chiến sự ở Trung Đông. Tính riêng trong năm 2016, khi vấn đề người nhập cư đạt đỉnh điểm lo ngại của các nước châu Âu, nước Ý đã ghi nhận được hơn 171.000 người nhập cư vượt Địa Trung Hải để bước chân đến bờ biển phía Nam nước này, theo BBC.
Cùng với nạn đói và bất ổn xã hội, sự hoành hành của nhóm khủng bố Boko Haram, một nhóm Hồi giáo cực đoan đã tuyên thệ trung thành với IS, khiến nhiều ngôi làng tại Nigeria và các nước lân cận trở thành “làng trắng”. Trong khi dòng người tị nạn qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp giảm mạnh nhờ tăng kiểm soát biên giới và chiến sự tại Syria giảm leo thang, số người tị nạn đổ vào nước Ý vẫn tăng mạnh, gây lo ngại về khả năng đảm bảo an ninh và chống khủng bố. Trong nửa đầu năm 2017, Ý đã tiếp nhận đến 82% người nhập cư trái phép vào châu Âu, theo The Economist.
Thế nhưng những ngôn từ đe dọa của các tay súng cực đoan tại Marawi, Philippines đến nay vẫn có vẻ… xa vời so với hiện thực. Nước Ý đến nay vẫn “bình yên vô sự” trước làn sóng khủng bố.
Cảnh sát Ý áp giải trùm mafia khét tiếng Toto Riina tại tòa án Palermo vào ngày 1-12-1993. Ảnh: REUTERS
Ẩn số mafia
Một giả thuyết khá thú vị đã được đặt ra để lý giải sự “bình yên vô sự” của đất nước hình chiếc ủng trước mối đe dọa từ IS. Theo một số chuyên gia, có thể các tổ chức mafia Ý đã âm thầm ngăn chặn các nhóm Hồi giáo thánh chiến tạo dựng được cơ sở. Chuyên gia Arturo Varvelli, làm việc tại Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế có trụ sở ở Milan, cho biết các băng đảng tội phạm có tổ chức của Ý nắm quyền kiểm soát và mạng lưới chân rết dày đặc tại miền Nam nước Ý, nơi dòng người nhập cư đổ vào mang theo rủi ro bị các phần tử IS trà trộn. Trong khi đó, cộng đồng người Hồi giáo lớn đáng kể lại nằm ở miền Bắc nước Ý. Chuyên gia về khủng bố Marco Lombardi, làm việc tại ĐH Công giáo Milan, cũng đưa ra nhận định rằng bên cạnh những nỗ lực của phía chính quyền thì các tổ chức mafia cũng tự động bảo vệ “lãnh thổ” và sức ảnh hưởng của riêng họ trước các nhóm cực đoan, theo tờ Daily Mail.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Panorama vào năm 2015, một cựu điệp viên Ý với bí danh Edera cũng từng khẳng định: “Các tổ chức tội phạm đang hiện diện tại phía Nam sẽ không cho phép các phần tử khủng bố xâm nhập vào vùng kiểm soát của họ”. Trả lời tờ The Local (Pháp), PGS ngành tội phạm học Andrea Di Nicola tại ĐH Trento (Ý) cũng thừa nhận các tổ chức mafia có đủ năng lực kháng cự sự xâm nhập của chủ nghĩa cực đoan. “Khủng bố luôn kiểm tra rất kỹ lưỡng mọi vùng lãnh thổ trước khi tổ chức tấn công. Xui xẻo cho chúng là nhiều vùng tại Ý đã được mafia xác lập quyền kiểm soát, nắm giữ quyền lực thế giới ngầm”. Không những thế, các tổ chức mafia cũng không chịu các ràng buộc về pháp lý và đạo đức mà những cơ quan chính quyền gặp phải trong cuộc chiến chống khủng bố. Các ông trùm mafia nổi tiếng sẵn sàng ra tay tàn độc. Những điều này có thể khiến những phần tử IS ngần ngại.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin nào xác nhận giả thuyết mafia Ý tổ chức các nỗ lực chống khủng bố. Chuyên gia tội phạm Di Nicola cũng phản đối khả năng cơ quan chức năng Ý phối hợp với mafia dưới bất kỳ hình thức nào. “Đó là lựa chọn lợi bất cập hại. Chúng ta không thể để nỗi sợ làm cho mù quáng. Cần nhớ rằng tội phạm có tổ chức tại Ý những thập niên qua đã giết hại nhiều người hơn khủng bố tại châu Âu” - ông Nicola nhấn mạnh.
“Trưởng thành” nhờ… mafia
Trả lời tờ The Economist về câu hỏi vì sao nước Ý không bị IS tấn công, một quan chức cảnh sát cấp cao của nước này cho biết: “Ở một phương diện nào đó, đúng thật là nhờ có mafia. Nhưng nó không giống cách nhiều người nghĩ đến”.
Mạng lưới tình báo và lực lượng cảnh sát Ý đã được trui rèn suốt nhiều thập niên qua để đối phó với mạng lưới thế giới ngầm và các vụ tấn công của mafia. Trong nỗ lực trấn áp các tổ chức khủng bố cực tả và cực hữu từng hoành hành tại Ý những thập niên 1970 và 1980, cảnh sát Ý đã thu thập được rất nhiều kinh nghiệm giám sát các nhóm nghi phạm có quan hệ phức tạp. Sự tung hoành của các tổ chức tội phạm liên quan đến vụ giết hại hai thẩm phán nổi tiếng chống mafia vào thập niên 1990 cũng khiến các tòa án tại Ý mạnh tay hơn so với các nước khác. Họ sẵn sàng phê duyệt các lệnh khám xét, cho cài đặt thiết bị nghe lén và giám sát trao đổi điện tử của những đối tượng tình nghi.
Theo tờ The Guardian, cộng đồng người nhập cư Hồi giáo tại Ý vẫn miễn nhiễm tốt với chủ nghĩa cực đoan. Cảnh sát có thể loại bỏ các thế hệ thứ nhất và thứ hai của cộng đồng này khỏi diện tình nghi và dễ dàng lọc ra các phần tử cực đoan từ cộng đồng người nhập cư mới đến. Từ đầu năm 2015 đến ngày 24-9 vừa qua, Ý đã trục xuất tổng cộng 209 người nhập cư vì lý do “cực đoan tôn giáo”. Mặt khác, tại Ý cũng không tồn tại các khu ổ chuột của người Hồi giáo như ở Pháp, tạo ra ít cơ hội để các phần tử khủng bố cực đoan hóa những thanh niên trẻ bất mãn với xã hội. Theo số liệu của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER, Mỹ), chỉ có 87 phần tử cực đoan hải ngoại xuất hiện tại Ý trong giai đoạn 2014-2015 để “truyền đạo”. Con số này tại Anh và Pháp, hai nước có mức bất bình đẳng cao đối với cộng đồng Hồi giáo, lần lượt là 760 người và 2.500 người.
Vì khủng bố cũng cần nước Ý? Ông Michele Groppi, giảng viên tại Học viện Quốc phòng Vương quốc Anh, chỉ ra một lý do khác khiến IS và trước đó là al-Qaeda ngó lơ đất nước hình chiếc ủng. Theo ông, các tổ chức khủng bố này cần sử dụng nước Ý như một cơ sở hậu cần cho các hoạt động tại châu Âu. Mới tháng 8 vừa qua, Rome cũng bắt đầu cho điều tra các mối liên hệ giữa IS và những tổ chức mafia của nước này, nghi ngờ các nhóm tội phạm bắt tay buôn lậu dầu vào châu Âu. Vào tháng 2-2017, các đơn vị cảnh sát Ý đã phát hiện một lượng lớn dầu nghi được nhập lậu về từ Syria và Libya, những vùng hiện nhóm khủng bố IS vẫn còn đang kiểm soát nhiều mỏ dầu và “khát” ngoại tệ. |