TAND quận Cái Răng (TP Cần Thơ) vừa mở phiên tòa xét xử công khai vụ ly hôn giữa nguyên đơn là anh A. và chị C.. Điều đáng nói sau vụ ly hôn này là một bi kịch gia đình từ lối sống gấp, thực dụng của một bộ phận không nhỏ giới trẻ.
Bị đơn theo đuổi tình cảm suốt chín năm, chấp nhận phá thai để đổi lấy tờ giấy hôn thú nhưng chỉ sáu tháng sau thì người chồng quyết ly hôn vì đã có ý định lừa dối ngay từ đầu.
Ép bạn gái phá thai rồi mới cưới
Tại tòa, nguyên đơn một mực đòi ly hôn dù người vợ không muốn. “Chúng tôi không có con chung, không có tài sản, nợ chung” - anh A. dõng dạc trình bày.
Về phần mình, chị C. cho rằng việc ly hôn là việc đơn phương của anh A. chứ bản thân chị không đồng ý. Bởi chị tin vào suy nghĩ và quyết định của mình khi đến với anh A.
HĐXX hỏi, anh A. cho biết việc kết hôn của hai người không phải vì tình yêu mà vì áp lực. Anh A. kể, hai người có thời gian quen biết và tìm hiểu nhau từ năm 2009. Đến năm 2014, anh nhận thấy không còn tình cảm với chị C. nữa nhưng vì muốn người yêu ổn định công việc và tài chính nên mãi đến năm 2018 mới chia tay.
Theo nguyên đơn, trong thời gian này, chị C. chủ động yêu cầu quan hệ tình dục và anh đồng ý. Sau đó, chị C. có thai và gây áp lực buộc anh phải cưới. Ngoài ra, bạn của chị C. còn nhắn tin đe dọa thêm nên đầu năm 2019 anh A. đồng ý cưới với điều kiện chị C. phải phá thai. Cuối cùng, chị C. đã quyết định bỏ đi đứa con trong bụng trước khi hai bên tiến tới hôn nhân.
Anh A. nói tiếp: “Sau đó, cá nhân tôi cảm thấy việc kết hôn của mình không trên cơ sở tình yêu tự nguyện nên tôi tiếp tục không đồng ý kết hôn với cô C. Nghe vậy, cô C. đem tính mạng ra để đe dọa tôi, dọa sẽ tự tử nếu tôi không chịu kết hôn. Không những vậy, bạn của cô ấy còn nhắn tin đe dọa tôi, buộc tôi phải làm đám cưới với cô C. Trước áp lực đó, tôi bị khủng hoảng tinh thần và buộc phải đồng ý kết hôn”.
Ảnh minh họa
Những lời gan ruột của tòa
Vị hội thẩm nhân dân hỏi anh A.: “Về đạo đức, buộc người yêu phá thai mới cưới là không thể chấp nhận được. Anh yêu cầu bị đơn phá thai thì mới cưới, vậy cưới về làm gì?”. Anh A. trả lời: “Tại cô C. kêu tôi cưới, chứ tôi có biết đâu”.
Vị này tiếp: “Từ hồi làm hội thẩm đến giờ, tôi chưa thấy có trường hợp nào ép buộc bạn gái bỏ thai rồi mới cưới, cưới chưa bao lâu thì đòi ly hôn. Anh cũng 29 tuổi, đủ hiểu biết để lựa chọn cho mình chứ chưa nói đến vấn đề trách nhiệm người đàn ông, đạo đức của mình…”.
Thẩm phán chủ tọa tiếp lời: “Bào thai có phải con anh không?”. Anh A. thản nhiên đáp: “Tôi thừa nhận đó là con tôi. Nhưng bản chất cuộc kết hôn này không trên cơ sở tình yêu nên tôi thấy không có hạnh phúc…”.
Chủ tọa quay sang hỏi chị C. rằng sao chị phải chịu hy sinh, thua thiệt nhiều như vậy. “Chín năm trời theo đuổi tình yêu để có thai, rồi chấp nhận bỏ thai để được cưới. Có con là một việc rất thiêng liêng, vậy mà chị chấp nhận bỏ con để kết hôn, sau đó bị chồng đòi ly hôn thì đâu còn gì với chị nữa. Chị thử nghĩ xem, việc cầm tờ hôn thú với bồng đứa con thì cái nào ý nghĩa hơn?”.
Nghe vậy, chị C. im lặng. Sau đó, chị cho biết lúc đầu cha mẹ anh A. cũng phản đối việc anh đòi ly hôn nhưng vì anh A. quá quyết liệt nên cha mẹ cũng không nói được. HĐXX giải thích: Ly hôn là việc của hai vợ chồng nhưng kết hôn vào tháng 4 mà tháng 10 đã ly hôn thì cuộc hôn nhân chỉ có sáu tháng.
Vị thẩm phán nói tiếp: “Buộc người yêu bỏ thai rồi mới cưới để khi ly hôn không bị ràng buộc gì. Cái này là giả dối ngay từ đầu chứ không phải yêu thương, anh hùng gì phải không anh A.?”.
“Dạ, cái đó thì cô C. biết” - anh A. đáp ngắn gọn.
Cuối cùng, HĐXX xử chấp nhận cho hai bên ly hôn vì xét thấy không thể cứu vãn hạnh phúc gia đình do có yếu tố lừa dối trong hôn nhân.
Cuộc hôn nhân có yếu tố lừa dối HĐXX nhận định việc anh A. nói rằng kết hôn không tự nguyện vì bị chị C. gây áp lực bằng việc có thai là không đúng. Bởi lẽ cả hai đã có quan hệ yêu đương nhiều năm và việc anh A. yêu cầu chị C. bỏ thai mới cưới là nhằm né tránh trách nhiệm khi ly hôn. Sau khi kết hôn không bao lâu, chỉ khoảng sáu tháng thì anh A. đã nộp đơn xin ly hôn. Theo HĐXX, cuộc hôn nhân của hai người đã có yếu tố lừa dối ngay từ đầu nên dù chị C. muốn đoàn tụ nhưng anh A. không muốn chung sống. Chứng tỏ anh A. không còn tha thiết với cuộc hôn nhân này. Tuy sống chung nhà nhưng hai bên không tồn tại quan hệ vợ chồng… Cuối cùng, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của anh A. để giải thoát cho chị C. |