Ngày 3-2, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên cho biết cơ quan này vừa quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đỗ Minh Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân.
Theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Phú Yên, với chức trách là ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, trưởng Công an huyện Đồng Xuân nhưng ông Đỗ Minh Tân thiếu gương mẫu, chấp hành không nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Ông Tân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp, tác động đến lãnh đạo UBND xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân ký xác nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCN). Từ đó UBND huyện Đồng Xuân cấp ba GCN trái quy định pháp luật.
Ông Tân đã liên hệ những người trong vụ án phá rừng không đúng quy định của ngành công an. UBKT Tỉnh ủy nhận định: Những việc làm trên của ông Tân đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước về quản lý đất đai, bảo vệ rừng, vi phạm kỷ luật ngành công an, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền địa phương.
Từ việc cấp đất trái pháp luật, hàng chục ha rừng ở huyện Đồng Xuân đã bị phá trắng. Ảnh: TL
Sai phạm của ông Đỗ Minh Tân liên quan đến vụ án phá rừng với quy mô lớn xảy ra tại huyện Đồng Xuân. Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên xác định: Theo lời khai của Phạm Xuân Trình (42 tuổi, ngụ xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân): Đầu năm 2015, ông Đỗ Minh Tân, Trưởng công an huyện và ông Nguyễn Thành Chung, cán bộ công an huyện đến xã Xuân Quang 1 gặp Trình bàn bạc, thống nhất việc tìm đất rừng để trồng cây keo sản xuất. Các ông Tân, Chung cùng Trình trực tiếp đến gặp lãnh đạo UBND xã Phú Mỡ tác động, nhờ ký các hồ sơ xin cấp GCN. Ông Tân, ông Chung cùng Trình và lãnh đạo UBND xã Phú Mỡ hai lần đi ăn nhậu để bàn bạc. Sau đó, UBND huyện Đồng Xuân cấp ba GCN với tổng diện tích hơn 83 ha rừng trái quy định.
Cũng theo kết luận điều tra, Trình khai đã cùng hai ông Tân, Chung làm chung với nhau trong việc tổ chức thuê người chặt phát tổng cộng hơn 44 ha. Các ông Tân, Chung mỗi người đưa cho Trình 20 triệu đồng để trả tiền thuê nhân công chặt phát rừng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng không đủ cơ sở để xác định các ông Tân, Chung làm chung với Tình và đưa tiền cho Trình. Mặt khác, diện tích đất mà Trình trình bày làm chung với các ông Tân, Chung qua giám định là đất trống có cây gỗ tái sinh, không phải rừng.
Liên quan đến vụ án trên, tại phiên tòa sơ thẩm tháng 8-2017, TAND tỉnh Phú Yên phạt bốn bị cáo tổng cộng 30 năm tù về tội hủy hoại rừng. Đến tháng 9-2017, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên.
Theo đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị TAND cùng cấp xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm trên để điều tra lại đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của nhiều cán bộ; hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai của hai bị cáo; đồng thời yêu cầu hủy các quyết định cấp GCN trái pháp luật.