Án có hiệu lực, chấp hành viên bảo chờ án khác

Người mẹ ngày đêm mong mỏi đón đứa con trai về sống chung theo phán quyết trước đó tòa đã tuyên. Thế nhưng dù bản án đã có hiệu lực hơn sáu tháng, chấp hành viên (CHV) vẫn chưa thi hành án (THA) mà yêu cầu phải chờ kết quả của bản án “thay đổi quyền nuôi con” của người cha.

Mỗi người nuôi một đứa con

Đó là hoàn cảnh mà chị Nguyễn Thị Chinh - đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM đang gặp phải. Chị Chinh trình bày: Đầu năm 2010, chị Chinh và anh L. cưới nhau. Thời gian đầu chung sống, cả hai rất hạnh phúc và có với nhau hai đứa con trai. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn nên chị Chinh nộp đơn xin ly hôn tại TAND huyện Nhà Bè. Tháng 6-2015, tòa xét xử sơ thẩm và ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn giữa vợ chồng chị Chinh. Về con chung, tòa tuyên chị Chinh nuôi con nhỏ chưa đủ 36 tháng và anh L. nuôi một đứa hơn năm tuổi.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, anh L. kháng cáo lên TAND TP.HCM, đề nghị tòa cho anh tiếp tục chung sống với chị Chinh để vợ chồng cùng nuôi dạy con cái trưởng thành. Đồng thời, anh L. đưa ra nguyện vọng nếu ly hôn thì anh sẽ là người nuôi trực tiếp hai đứa con. Tuy nhiên, chị Chinh vẫn kiên quyết xin được ly hôn. Tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của anh L. và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tháng 12-2015, Chi cục THA huyện Nhà Bè ra quyết định THA đối với bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM. Ngày 13-1, CHV đã tổ chức việc giao nhận con nhưng anh L. thông báo đứa con chị Chinh được nuôi đang bị bệnh và xin hoãn lại. Ngày 29-1, hết thời gian xin tạm hoãn nhưng CHV vẫn không thực hiện THA với lý do anh L. có đơn khởi kiện thay đổi quyền nuôi con và đã được tòa nhận đơn.

Chị Chinh tìm đến báo Pháp Luật TP.HCM bày tỏ mong ước được THA giao con. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

“Bản án có hiệu lực mấy tháng rồi mà CHV lại bảo phải chờ tiếp. Có nỗi khổ nào bằng mẹ xa rời con. Tôi chỉ mong THA sớm thực hiện để mẹ con tôi sớm được đoàn tụ” - chị Chinh nói trong nước mắt.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Ân (CHV thụ lý THA), Chi cục THA dân sự huyện Nhà Bè, cho biết: Tại điểm d Điều 48 Luật THA dân sự quy định về những trường hợp tạm hoãn THA có nêu: Tài sản kê biên có tranh chấp đã được tòa án thụ lý để giải quyết. “Trong vụ việc này, tôi đang phân vân con cái có được xem là tài sản hay không; nếu có thì việc anh L. có đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con và anh đã đóng án phí sẽ được xem là đang tranh chấp. Hơn nữa, việc THA giao con nếu thực hiện nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nên chúng tôi phải cân nhắc. Vụ THA giao con cho chị Chinh có tiếp tục hay không thì phải xin ý kiến chỉ đạo của chi cục trưởng và sẽ thực hiện theo chỉ đạo”.

Án có hiệu lực thì phải thi hành

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Nhàn, Trưởng phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo Cục THA dân sự TP.HCM, cho biết: Về nguyên tắc, án đã có hiệu lực thì phải thi hành. CHV trả lời với người dân chưa thể thi hành vì có giấy báo nhận đơn khởi kiện vụ án thay đổi quyền nuôi con của TAND huyện Nhà Bè là chưa đúng, bởi bản án đã có hiệu lực thì phải thi hành ngay, còn vụ án sau khi nào có hiệu lực thì lúc đó sẽ được thực hiện sau. Nếu trong quá trình THA, người phải THA không thực hiện thì tại Điều 118 Luật THA dân sự quy định rõ: Trường hợp thi hành nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải THA không thực hiện thì CHV quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ THA. Hết thời hạn đã ấn định mà người phải THA không thực hiện nghĩa vụ THA thì CHV xử lý như sau: Trường hợp công việc đó có thể giao cho người khác thực hiện thay thì CHV giao cho người có điều kiện thực hiện; chi phí thực hiện do người phải THA chịu. Trường hợp công việc đó phải do chính người phải THA thực hiện thì CHV đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

“Điều 163 BLDS quy định tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Như vậy con cái không được coi là tài sản” - ông Nhàn nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.