Trẻ tuổi quá sẽ khó lái xe container

Theo khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ, người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe hạng C kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc (FC). Thế nhưng từ vụ tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn (25 tuổi) gây tai nạn rồi hai lần tiến, lùi xe container dẫn đến hậu quả cán chết người, nên chăng phải xem xét lại độ tuổi của người lái loại xe này?

Không hiểu sao mà gần đây có nhiều xe container liên tiếp gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương nặng, phá hủy nhiều công trình giao thông… Như ở Hà Nội, một xe container sau khi gây tai nạn đã đẩy nạn nhân vào lề đường rồi bỏ trốn. Nhiều xe container khác húc cột điện, đâm vào nhà dân, phá hủy dải phân cách v.v… Chưa rõ tuổi đời, trình độ lái xe của những tài xế này nhưng riêng đối với Tuấn thì tôi được biết Tuấn chỉ mới học lớp 7/12, năm 16 tuổi học lái xe, năm 21 tuổi hành nghề lái xe rơmoóc rồi đi nghĩa vụ quân sự. Đến năm 24 tuổi, Tuấn xuất ngũ về lái xe cho một công ty và đến giữa tháng 5-2009 thì gây tai nạn giao thông nghiêm trọng nêu trên.

Trẻ tuổi quá sẽ khó lái xe container ảnh 1

Container là loại xe khó điều khiển, xoay trở trong không gian hẹp. Ảnh: THÁI HIẾU

Rõ ràng thâm niên lái xe của Tuấn quá ngắn và còn bị ngắt quãng. Trong khi đó, giới tài xế vẫn hay xếp bằng FC vào loại bằng “hết dấu” và người lái container buộc phải có thâm niên, phải có số km lái xe an toàn nhất định. Mặc dù cơ quan điều tra không làm rõ Tuấn có bằng FC hay chưa nhưng ngay cả khi Tuấn đã có bằng thì vẫn phải thấy rằng: Nếu sự cố rơi vào một tài xế nhiều tuổi hơn và có kinh nghiệm xử lý các tình huống bất thường thì có thể nạn nhân đã không chết!

Được biết điều luật trên được ban hành xuất phát từ chỗ cho rằng người trẻ tuổi thì mới có đủ sức khỏe để vận hành xe container. Thế nhưng nghề lái xe mang tính rủi ro rất cao. Ngoài kiến thức lái xe, các tài xế nói chung và tài xế container nói riêng cần phải có sự tích lũy kinh nghiệm từ nhiều nguồn khác nhau để tay lái ngày càng vững vàng. Và nếu quá trẻ thì e rằng các tài xế container sẽ khó đảm đương nhiệm vụ.

TRẦN QUỐC QUÂN (Cư xá Lữ Gia, quận 11, TP.HCM)

Khi có tai nạn nên gọi ngay cứu thương, cứu hộ

Theo bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương, tuy việc cứu người bị tai nạn giao thông phải được thực hiện gấp rút nhưng không có nghĩa là muốn chiếc xe lùi lại hay nhích lên để kéo ra hay bê nạn nhân lên kiểu nào cũng được. Nhiều trường hợp vì không biết cách sơ cứu và cách di chuyển nạn nhân nên đã làm cho những chấn thương ở cột sống của nạn nhân trở nên nặng thêm. Cách tốt nhất trong tình huống này là người dân nên giữ nguyên hiện trường và gọi ngay cho lực lượng cứu thương chuyên nghiệp. Trường hợp nạn nhân bị mắc kẹt dưới gầm xe, mọi người có thể dùng con đội có trên các xe tải hoặc xe cứu thương để đẩy xe lên. Nếu sử dụng con đội không hiệu quả do trọng lượng xe quá lớn thì mọi người có thể nhờ lực lượng cứu hộ của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM hỗ trợ.

Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM, cho biết: “Khi nhận được báo động cấp cứu thì trong vòng một phút xe cứu hộ của Sở sẽ xuất phát. Thời gian tới hiện trường nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào quãng đường xa hay gần và điều kiện lưu thông. Nhưng chắc chắn lực lượng này sẽ có những giải pháp để cứu hộ, cứu nạn kịp thời”.

MINH HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm