Khẩn cấp ‘giải cứu’ đường Nguyễn Hữu Cảnh

Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM nối từ cầu Sài Gòn đến đường Tôn Đức Thắng (quận 1), dài khoảng 3 km, lâu nay vốn đã là một điểm ùn tắc giao thông tại TP.HCM. Tuy nhiên, hiện trên tuyến đường này đang tập trung nhiều dự án nhà cao tầng hoành tráng với số lượng căn hộ “khủng” đã, đang và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia cảnh báo tuyến đường cửa ngõ phía Đông TP này sẽ tắc nếu ngay từ bây giờ không có phương án giải quyết.

Báo động đỏ kẹt xe

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện có ba dự án cao ốc lớn cùng nhiều trường học, bệnh viện và một số khu dân cư dày đặc. Do đó lượng xe lưu thông trên tuyến đường này chiếm mật độ cao, nhất là vào giờ cao điểm.

Theo thông tin PV có được, một số dự án ở khu vực này có quy mô đến cả chục ngàn căn hộ. Bên cạnh đó là hơn 1.000 căn hộ chung cư The Manor đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay.

Theo kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện hữu đã là tuyến thường xuyên ùn tắc giao thông. Thời gian tới phải “cõng” thêm 15.000 căn nhà nữa thì chắc chắn sẽ xảy ra kẹt xe nghiêm trọng nếu TP không tính toán các giải pháp giao thông đi kèm. Ông Sơn cho hay hiện cửa vào trung tâm TP không còn là nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng nữa mà sẽ là nút giao dưới chân cầu Sài Gòn. Do đó TP phải sớm tổ chức tốt giao thông khu vực này nếu không muốn lâm vào bài toán khó về kẹt xe.

Theo ông Sơn, giải pháp mà TP cần phải tính đến chính là việc sử dụng giao thông công cộng. “Thiết kế một khu dân cư lớn như vậy thì phải tính đến phương án sử dụng phương tiện giao thông công cộng để người dân có thể đi lại thuận tiện. Theo tôi, TP nên tổ chức tuyến xe buýt vòng nối từ đường Tôn Đức Thắng chạy dọc theo Nguyễn Hữu Cảnh đến chân cầu Sài Gòn để phục vụ cho người dân trong khu vực này” - KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.

Cùng quan điểm, TS Võ Kim Cương, nguyên Giám đốc Sở QH-KT, cho hay hướng phát triển giao thông tại khu vực này là phải tăng cường giao thông công cộng như metro, xe buýt. “Nếu mỗi nhà một ô tô con thì giao thông khu vực này sẽ rất bế tắc” - TS Cương nói.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh dài khoảng 3 km nhưng phải “cõng” gần 20.000 căn hộ. Ảnh: HOÀNG GIANG

 Lên nhiều phương án giải tỏa

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT, hiện nay các nhà đầu tư trong khu vực này như Him Lam, Bitexco, Công ty TNHH Vietnam Land SSG… đang cùng nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch 1/2000 khu vực ven sông Sài Gòn. Theo đó sẽ hình thành một tuyến đường bên trong đường Nguyễn Hữu Cảnh, kéo dài từ Tôn Đức Thắng đến chân cầu Sài Gòn để giảm tải cho đường Nguyễn Hữu Cảnh với hệ thống xe buýt. Ông Toàn thông tin Sở QH-KT đang xem xét đồ án điều chỉnh quy hoạch của các chủ đầu tư để trình TP xem xét.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, cũng cho hay tại khu vực này đã được quy hoạch nhiều loại hình giao thông để phục vụ cho nhu cầu đi lại, đồng thời đảm bảo các chỉ tiêu quy hoạch liên quan đến dân số, tầng cao được duyệt của khu vực này. Cụ thể, tại đây sẽ có tuyến metro số 1 nối các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức sang Bình Dương; tuyến đường ven sông nối từ đường Tôn Đức Thắng đến chân cầu Sài Gòn; tuyến xe điện mặt đất đi dọc theo đường ven sông và kết nối sang Thanh Đa. Ngoài ra, tuyến xe buýt dọc sông vừa khai trương hôm 21-8 cũng sẽ là một hướng giao thông kết nối khu vực này với các khu vực khác.

Trước mắt TP đang chuẩn bị triển khai dự án mở rộng, cải tạo, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh nhằm đảm bảo việc lưu thông trên tuyến đường này. Vừa rồi Thủ tướng đã đồng ý cho TP triển khai theo hình thức tổng thầu EPC. Chúng tôi cũng mới nhận được văn bản của Thủ tướng và đang chuẩn bị các bước tiếp theo để triển khai dự án này. Do không phải giải phóng mặt bằng nên dự kiến việc cải tạo, nâng cấp sẽ được hoàn thành trước năm 2020.

Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Theo ông Cường, trong tương lai đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) cũng sẽ được mở rộng 25 m và làm đường trên cao nối ra sân bay Tân Sơn Nhất. Người dân khu vực này đi ra sân bay có thể bằng hai cách: Hoặc lưu thông như hiện nay, hoặc có thể ra đường Nguyễn Hữu Cảnh, lên đường trên cao đi thẳng vào sân bay. Hoặc sau này có thêm tuyến tàu điện ngầm số 5 đi ra ga Tân Cảng để tới khu vực Lăng Cha Cả.

Tuy nhiên, những dự án nêu trên hiện chỉ nằm trong quy hoạch hoặc đang thi công dang dở.

Nghiên cứu lưu thông ra các hướng

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, cho rằng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh là một trong hai tuyến đường lưu thông từ khu vực cửa ngõ phía Đông TP vào trung tâm quận 1 và ngược lại. “Khi hàng chục ngàn căn hộ chưa hoàn thành thì bản thân nó đã bị ách tắc ở các nút giao như Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng. Thời gian tới, khi các dự án nhà này hoàn thành thì chắc chắn con đường sẽ quá tải” - KTS Lưu cảnh báo.

Theo ông Lưu, toàn bộ khu vực này nằm trong quy hoạch khu trung tâm 930 ha của TP.  Trước đây, đơn vị lập quy hoạch là Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) đã tính toán kỹ thông số về giao thông của khu vực này với đầy đủ hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay các quy hoạch về giao thông tại đây vẫn chưa triển khai nên áp lực giao thông đè nặng lên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Chủ tịch Hội KTS TP cho rằng TP cần phải có giải pháp giải tỏa được ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng, đồng thời có thể nghiên cứu việc lưu thông ở các hướng Nguyễn Hữu Cảnh ra Điện Biên Phủ, Ngô Tất Tố, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm