Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý - Bài cuối: Cơ hội để miền Tây cất cánh

Cuối cùng rồi cái ngày mong đợi cũng đến, một chiếc cầu hiện đại nối liền bảy tỉnh, thành cuối đất nước. Ngày đêm những chiếc phà vẫn lầm lũi hoàn thành phần việc mà nó đã oằn mình gánh gần một thế kỷ qua. Câu chuyện trăm năm lụy đò của mấy bác tài ở những ngày cuối cứ râm ran: “Mai này mình chạy cái vù trên chiếc cầu đó chắc đã lắm hén! Lúc đó nhớ lại cái cảnh kẹt phà như hôm nay quả như thoát nạn vậy!”. “Ừ ráng chờ đi, hổng còn mấy ngày nữa đâu”.

Cây cầu và cuộc mưu sinh

Anh Dũng, tài xế xe tải 54Z-3665, tâm sự: “Tôi rong ruổi suốt khắp các nẻo đường miền Tây nhưng ngại nhất là qua phà Cần Thơ. Cứ mỗi lần mất khoảng 1 tiếng, có lúc lên đến 3 tiếng, thậm chí mất đến 6 tiếng như cận tết rồi. Xe nối đuôi dài cả chục cây số. Khoảng thời gian đó đủ để người ta làm hàng loạt việc”.

Đúng thế, nửa tiếng, 1 tiếng đồng hồ vượt sông so với khoảnh khắc vút qua cầu là cả một khoảng trống cho miền Tây phát triển. Nỗ lực từ một bến, rồi hai bến đỗ, phà tốt chạy nhanh, thế mà những dòng xe cứ ứ đọng mãi dẫu chiếc phà đã gắng gượng hết sức mình. Anh Nguyễn Hữu Khiêm Trưởng phòng Kỹ thuật-Thiết bị, Cụm phà Hậu Giang, thừa nhận: “Đã chạy hết hai bến, hết hơn chục phà mà vẫn kẹt xe. Phà như bắt đầu quá tải nữa rồi và có lẽ không gì khác là mở thêm bến mới”. Cầu thông xe như rơi đúng vào cái khoảnh khắc vàng đó. Giờ đây khoảnh khắc vút qua cầu đủ để người ta chủ động toan tính thời gian, chủ động cuộc hẹn, chủ động công việc…

Rồi đây hình ảnh “đội quân” bán cóc, ổi, mía ghim, vé số, bắp luộc... chen lấn mời mọc trên xe, trên phà vừa bực vừa thương ấy sẽ lùi dần vào quá khứ. “Phà nghỉ chắc tôi nhớ lắm vì hằng ngày dọn hàng ra bán kiếm cơm hai bữa, tự dưng không còn xe cộ, người nào qua lại, trước nhà vắng tanh” - một cụ già bên bến Cái Vồn giọng buồn buồn. Ngược lại, ông Ba Trà chuyên làm đại lý báo tại bến phà lại lạc quan hơn: “Cuộc sống gia đình tôi ít nhiều phụ thuộc vào bến phà nhưng nếu phà nghỉ thì tôi sẽ không bán báo lẻ mà chuyển qua bỏ báo cho các cơ quan chức năng ở huyện Bình Minh. Tôi trông mong cây cầu Cần Thơ hoàn thành lắm, có cây cầu rồi con cái mình sau này sẽ sướng hơn”.

Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý - Bài cuối: Cơ hội để miền Tây cất cánh ảnh 1

Tương lai cạnh chân cầu Cần Thơ phía bờ Bình Minh sẽ là khu đô thị, khu công nghiệp, cảng… sầm uất. Ảnh: NGUYÊN VẸN

Hai bờ trở mình

Cầu khánh thành kéo theo hàng loạt dự án đô thị hai bên chân cầu chuyển mình. Thật ra cách nay vài năm, nhiều dự án đã đi tắt đón đầu. Ngày 9-4, tại Khu công nghiệp Bình Minh ngay cạnh chân cầu thuộc xã Mỹ Hòa đã khởi công nhà máy chiếu xạ trái cây, thủy sản cho xuất khẩu. Chỉ tay về một khu đất cạnh đường dẫn cầu Cần Thơ, ông Nguyễn Đình Thảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Quân Mêkông, báo tin vui: Ngày 17-4 khởi công tiếp nhà máy sản xuất lắp ráp thiết bị chuyên dùng cho ôtô tải, liên doanh giữa Công ty Ôtô Trường Long với Nhật. Và tới đây sẽ là nhà máy sinh hóa, nhà máy sản xuất lưới thép... Vùng bưởi Năm Roi Mỹ Hòa ngày nào giờ đã nhường chỗ cho nhiều dãy phố thị dọc ngang. 1.200 căn hộ sẽ mọc lên tại khu phố thị mới này của Hoàng Quân Mêkông. Bên cạnh là khu công nghiệp (130 ha), khu cảng Bình Minh… Một vị trí lý tưởng cho đầu tư phát triển cạnh chân cầu. Anh Thảnh cho biết đã có năm dự án đầu tư vào đây. Mảnh đất vốn sình lầy ruộng vườn ngày nào của Đông Bình, Mỹ Hòa giờ là hệ thống giao thông liên hoàn, phố thị lạ lẫm.

UBND huyện Bình Minh cho biết tới đây đất bưởi Mỹ Hòa tiếp tục nhường cho Đại học Bình Dương, cho một số dự án khác. “Tới đây đất vườn Mỹ Hòa gần như hết, chỉ còn một phần nhỏ dưới đuôi cồn thôi” - ông Nguyễn Văn Đá, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Minh, khẳng định chắc nịch.

Bên kia dòng sông Hậu, ngay nút giao thông đường dẫn bờ nam, khu đô thị Nam Cần Thơ 2.100 ha đang chuyển mình cho từng dãy phố, cho nhiều dự án tương lai. Một quận mới đang được quy hoạch và định hình tại khu đô thị Nam Cần Thơ. Hướng mắt từ phà, tòa nhà Tây Nguyên Plaza 18 tầng cao nhất Cần Thơ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng sừng sững bên chiếc cầu mới. Đô thị mới này dành cả một khu riêng biệt cho khoảng 20 lãnh sự quán các nước đặt tại Cần Thơ. Ông Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, bảo rằng tương lai đây sẽ là khu đô thị mới vùng trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Một đô thị mới với quảng trường, trung tâm hội nghị quốc tế, với khu đại học quốc tế, đại học kiến trúc… Cần Thơ đang quy hoạch mở rộng thêm 1.200 ha cho khu đô thị Nam Cần Thơ này. Nơi đây nối liền cảng Cái Cui, nối đường nam sông Hậu từ TP Cần Thơ đi Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu đang hoàn thành.

Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý - Bài cuối: Cơ hội để miền Tây cất cánh ảnh 2

Nhiều dự án dưới chân cầu Cần Thơ tại Khu công nghiệp Bình Minh bắt đầu khởi động. Ảnh: NGUYÊN VẸN

Giá trị nhà đất đang chuyển động cùng thời gian nối nhịp cầu. Ông Nguyễn Đức Linh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586 tại Cần Thơ - chủ đầu tư khu đô thị Phú An, thông tin lạc quan: “Nghe tin cầu Cần Thơ sắp hoàn thành, rất nhiều khách hàng điện thoại hoặc đến trực tiếp để tìm mua nhà tại khu đô thị Nam Cần Thơ. Giá nhà đất đã tăng 5%-10%, có khả năng sau khi thông xe cầu Cần Thơ, bất động sản tiếp tục tăng 10%-15%”.

Con phà Hậu Giang sẽ nép mình vào trang sử đã qua của một đồng bằng. Có nghĩa là hơn cả một lễ khánh thành cầu, hơn cả mọi ý nghĩa về sự hiện đại, vượt trên tất cả, ấy không phải là cây cầu bình thường, thời khắc của lễ mừng bình thường. Thời khắc ấy là lúc mà phà Cần Thơ nên kéo một hồi còi kính báo với tổ tiên rằng: Nhịp cuối cùng đã bắc qua cách trở, nghĩa là con đường thiên lý đã nối liền từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Liền mạch để đi xa, để vươn lên…

Cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á

Đã 13 năm từ khi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký biên bản thỏa thuận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về việc lập dự án nghiên cứu khả thi xây dựng cầu Cần Thơ. Và gần sáu năm từ thời khắc 10 giờ 30 trưa 25-9-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phát lệnh khởi công dự án này.

Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (dài 550 m), có tổng mức đầu tư hơn 4.830 tỉ đồng từ nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam. Dự án cầu Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến là 15,85 km. Dự án chia thành ba gói thầu: Gói thầu một là đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km; gói thầu hai là cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75 km; gói thầu ba là đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km.

Cầu chính có khổ cầu rộng 23,1 m, gồm bốn làn xe, mỗi làn 3,5 m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75 m. Độ tĩnh không thông thuyền cao 39 m (với chiều rộng tương ứng 200 m), đảm bảo cho tàu 10.000 DWT qua lại.

Theo ước tính từ mặt nước trung bình lên đến độ tiếp giáp trụ cầu và mặt cầu khoảng 40 m, từ mặt cầu đến phần chữ A tiếp giáp ở đỉnh hơn 80 m, đoạn còn lại từ đỉnh chữ A lên đỉnh cao nhất gần 40 m. Tổng số chiều cao của trụ cầu tính từ mực nước trung bình là 164 m.

Vì sao tháp cầu Cần Thơ hình chữ A?

Ngày 1-8-2007, các nhà thầu Nhật tổ chức lễ khởi đầu căng cáp dây văng cầu Cần Thơ. Họ tiết lộ ý tưởng: “Trụ tháp cầu Cần Thơ được thiết kế theo chữ A như hình dáng một người phương Đông chắp tay trên trán, tĩnh tại, mong ước sự an lành”. Minh họa cho biểu tượng này, một nhà thầu Nhật Bản đã đứng thẳng người, chắp hai tay và đưa qua đỉnh đầu, hai chân khép lại, nhìn rất giống biểu tượng trụ cầu Cần Thơ. Ông Takao Kishimoto, cố vấn của Tập đoàn Taisei Corporation, cho biết: “Cầu Cần Thơ do các nhà thầu Nhật thiết kế xây dựng vì vậy nó phải có nét khác với cầu Mỹ Thuận do người Úc xây dựng, phải là biểu tượng văn hóa Đông phương”.

NGUYÊN VẸN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm