LTS: Bộ KH&ĐT đang trình Thủ tướng xem xét dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Hồng. Mời bạn đọc cùng xem qua các hệ quả môi trường và biện pháp quản lý một số dự án tương tự trên thế giới.
Những dòng sông lớn mang rất nhiều tiềm năng về thủy điện, giao thông và tài nguyên thiên nhiên mà nếu được khai thác hợp lý sẽ mang lại lợi ích to lớn. Chính vì vậy, không ít các quốc gia có dòng sông lớn chạy qua lãnh thổ đã quyết định xây dựng những “đại dự án” kết hợp khai thác những tiềm năng này. Tuy nhiên, bên cạnh những tham vọng lớn về kinh tế, chính phủ các nước cũng cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh những hệ quả môi trường khó lường.
Quản lý tốt, lợi ích lớn
Với những hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB), tỉnh Giang Tây của Trung Quốc đã cải thiện được năng lực lưu thông đường thủy ở khu vực trung và hạ lưu dòng sông Cám. Việc cải thiện các năng lực lưu thông của dòng sông dài 885 km, chảy về dòng sông Trường Giang, được xem là chìa khóa trong chiến lược phát triển của khu vực này. Được cấp phép thực hiện vào năm 2009, “siêu dự án” phức hợp thủy điện và thủy lộ Shihutang tại Giang Tây đã cải thiện khả năng chống lũ, tạo ra nguồn năng lượng sạch và tăng khả năng lưu thông hàng hóa tại vùng này, báo cáo của WB cho biết.
Với sự cố vấn và hỗ trợ giám sát của WB, hơn 38 km thủy lộ nội địa tại khu vực trung lưu của dòng sông Cám được cải thiện từ cấp độ V lên cấp III, giúp tăng khả năng lưu thông các tàu 1.000 tấn từ 27% lên 95% tổng thời gian hoạt động, đồng thời cải thiện các dịch vụ tàu thuyền chở hàng trên dòng sông. Tính đến năm 2013, các nhà máy thủy điện trong dự án phức hợp này đã sản sinh ra đến 284 GWh điện năng, giúp giảm hơn 220.000 tấn khí thải carbon. Dự án này đã được kết nối với mạng lưới điện khu vực nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt điện năng. Năng suất điện hằng năm được ước tính sẽ tăng với tốc độ 5% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, nhắm đến mục tiêu tạo ra 472,4 GWh điện một năm. Dự án cũng bao gồm các hệ thống chống lũ lụt như đê, kênh chuyển dòng, trạm bơm, cống thoát nước giúp bảo vệ hơn 4.400 ha đất nông nghiệp. Quãng đường di chuyển giữa hai bờ sông cũng được rút ngắn gần 12 km vì được nối bởi đường xây trên đập thủy điện mới.
Mỹ từ lâu cũng đã phát triển các hệ thống phức hợp thủy điện và thủy lộ trên những dòng sông lớn, điển hình là dòng Colombia ở đông bắc nước Mỹ. Bên cạnh những hệ thống thủy điện góp vào nguồn cung 80% điện năng của vùng Đông Bắc Mỹ, dòng sông Colombia còn được nạo vét một kênh đào sâu hơn 12 m với chiều dài hơn 170 km dẫn vào Vancouver, Washington. Một hệ thống liên hoàn các đập và tám âu tàu, có khả năng nâng tổng độ cao từ mặt biển đến điểm dừng cuối cùng là 213 m, giúp mỗi năm vận chuyển hơn 17 triệu tấn hàng hóa trên dòng Colombia. Những hệ thống âu tàu và đập này còn làm thủy điện và giúp điều hòa dòng lũ và đặc biệt là kiểm soát và điều hòa sự di chuyển của các loài cá, Quỹ Giáo dục về nguồn nước và năng lượng (FWEE) cho biết.
Tuy nhiên, những dự án phức hợp khổng lồ này cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về các tác động đối với nông nghiệp, môi trường và hệ sinh thái. Nếu không, viễn cảnh “thảm họa” dễ dàng xảy ra.
Dự án đập thủy điện lớn thứ ba thế giới - Belo Monte tại Brazil có khả năng làm ngập hơn 200 triệu ha rừng Amazon. Ảnh: GETTY
Dự án thủy điện - thủy lộ trên dòng sông Cám là động lực phát triển quan trọng của tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Ảnh: WORLD BANK
Đập khổng lồ Glines Canyon tại Mỹ bị phá bỏ vào tháng 8-2014. Ảnh: REUTERS
Tính toán sai lầm, “bức tử” Amazon?
Vào tháng 8-2003, Furnas - tập đoàn điện lực quốc gia Brazil và công ty cổ phần xây dựng Odebrecht của Hà Lan đã cùng đệ trình một dự án phức hợp thủy điện và thủy lộ trên dòng sông Madeira, một phụ lưu chính của dòng sông Amazon. Dự án này được đưa ra như một thành tố quan trọng cho việc kết nối toàn khu vực, nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Kết nối cơ sở hạ tầng khu vực Nam Mỹ (IIRSA). Dự án này đặt ra tham vọng phát triển kết nối giao thông giữa Đại Tây Dương và vùng đồng bằng Amazon dọc biên giới Brazil và Bolivia, vốn đã được nỗ lực xây dựng trong hàng trăm năm nhưng chưa thành.
Tuy nhiên, dự án khổng lồ trên dòng Madeira đã không được cân nhắc một cách kỹ lưỡng và thấu đáo về những tác động đến môi trường và sinh thái. Dự án đã nhận được sự ủng hộ chưa từng có tiền lệ từ chính quyền Brazil để được hiện thực hóa bất chấp cái giá phải trả về môi trường là gì. Brazil quyết định cấp phép môi trường cho hai dự án đập Antonio và Jirau vào tháng 7-2009. Tổ chức Các dòng sông Quốc tế nhận định lịch sử của dòng sông Amazon đã bước qua một trang mới đánh dấu bởi lòng tham và những tính toán sai lầm của những người “cầm cân nảy mực”.
Theo nghiên cứu của ông Philip Fearnside, Viện Nghiên cứu Quốc gia về Amazon (Brazil), hai dự án đập Antonio và Jirau sẽ tạo ra những tác động khổng lồ về môi trường, thậm chí còn gây ra lũ lụt tại nước láng giềng Bolivia vì dòng nước của sông Madeira bị chặn lại. Việc thay đổi dòng nước sẽ hủy diệt hệ sinh thái tự nhiên, ngăn cá di chuyển đúng chu kỳ và ảnh hưởng đến cả đa dạng sinh học lẫn đánh bắt thủy sản. Hiện vẫn chưa có các số liệu cụ thể về mức độ nghiêm trọng gây ra bởi dự án này, tuy nhiên điều chắc chắn là những hệ quả này sẽ làm thay đổi đáng kể hệ sinh thái dòng Amazon. Không chỉ thế, những dự án này còn khiến diện tích rừng Amazon bị đe dọa. Hai công ty Odebrecht và Furnas từng khẳng định dự án sẽ giúp tăng sản lượng nông nghiệp lên đến 25 triệu tấn/năm, tạo ra 7 triệu ha đất trồng cho các giống đậu nành và cây lương thực khác. Tuyến thủy lộ Guapore - Madeira sẽ giảm chi phí vận chuyển cho hơn 7 triệu tấn phân bón, hạt giống và thuốc trừ sâu mỗi năm. Phía Bolivia cũng có mong muốn lợi dụng lợi thế chi phí vận chuyển giảm để tăng năng suất nông nghiệp lên 24 triệu tấn/năm. Theo Tổ chức Các dòng sông Quốc tế, những kế hoạch mở rộng nông nghiệp, đi kèm với dự án phức hợp thủy lợi - thủy lộ trên dòng Madeira, chắc chắn sẽ buộc các chính phủ tiếp tục tàn phá rừng Amazon để mở đất nông nghiệp.
Trả nhiều sông về “nguyên thủy” Trong khi nhiều quốc gia đang phát triển nỗ lực tìm cách khai thác các dòng sông, nâng cấp khả năng lưu thông đường thủy và tận dụng các lợi thế thủy điện, nhiều quốc gia phương Tây lại đang tìm cách khôi phục trạng thái trước kia của các dòng sông lớn. Một nghiên cứu của Cộng đồng Bảo tồn Thiên nhiên của Thụy Điển cho biết tại châu Âu giờ đây chỉ còn có bốn hệ thống sông lớn là được chảy tự nhiên từ nguồn về đến cửa sông. Trong đó, ba hệ thống sông nằm ở Nga. Hệ thống sông còn lại là dòng Torne - Kalix chảy qua Thụy Điển và Phần Lan. Vì thế, ngay từ những năm 1990, khi đang là nước đứng thứ sáu thế giới về thủy điện, Thụy Điển đã bắt đầu khởi động chương trình tái tạo các dòng sông. Liên minh châu Âu vào năm 2000 đã đưa ra chỉ định khung về nguồn nước, yêu cầu tất cả dòng sông chảy qua các quốc gia thành viên cần phải được đưa trở về “tình trạng tốt” trước năm 2015. Theo mạng Environment 360, nhiều quốc gia châu Âu đang đẩy mạnh quá trình cải tạo lại dòng sông. Anh cam kết khôi phục hơn 1.500 km sông. Một trong những dòng sông lớn nhất Tây Ban Nha là Duero cũng đang được “dọn dẹp” các đập và công trình chặn dòng. Các con đập trên dòng Loire, con sông dài nhất nước Pháp, cũng được phá bỏ dần. Cửa sông Skjern của Đan Mạch cũng được bồi đắp sau khi các bờ sông nhân tạo được hạ thấp để dòng lũ chảy tự nhiên. Trang National Geography cũng cho biết tại Mỹ đã có hơn 72 đập sông lớn nhỏ được phá bỏ từ năm 2014 đến nay. |