Thông tin từ Sputnik cho hay quan chức Iraq thất bại trong việc nâng cấp đập thủy điện lớn nhất Iraq từ sau khi tiếp quản chúng từ tay phiến quân IS.
Xây dựng từ năm 1980, đập thủy điện Mosul được xem đập thủy điện lớn nhất Iraq. IS đã nắm giữ đập này từ năm 2014 và để nó xuống cấp trầm trọng.
Trước đó, nhiều người từng lo lắng IS sẽ ngắt điện và nước sinh hoạt và tiêu dùng cho các thị trấn và các thành phố lớn lân cận.
Tuy nhiên, quan ngại lớn nhất nằm ở chỗ, phiến quân có thể phá hủy đập và gây ra trận lũ kinh hoàng ngay sông Tigris.
Hệ thống máy móc ở đây đã lỗi thời và rỉ sét. Ngay cả khi lực lượng an ninh Iraq đến tiếp quản khu vực này, nguy cơ vỡ đập vẫn rất lớn.
Đập thủy điện lớn nhất Iraq Mosul (ảnh: AP)
Nhóm kỹ sư xây dựng con đập cách nay 30 năm cảnh báo rằng chính phủ Iraq đang thất bại trong việc vận hành máy móc tại đây.
Đặc biệt, hiện các cửa đóng mở chịu lực để xả nước đang bị kẹt. Điều này khiến áp lực nước tăng lên hằng ngày và khiến chúng trở nên nguy hiểm sau mùa đông.
Khi băng tan và khiến mực nước sông Tigris tăng lên, bể chứa nước sẽ bị dồn ứ và chịu dung lượng nước lớn và gây nguy cơ vỡ đập, theo Sputnik.
Trong năm 2014, IS đã chiếm đóng khu vực này và gây khó khăn cho chính phủ Baghdad trong việc cử nhân viên coi sóc và tu sửa đập.
Nếu sự cố không được sửa chữa sớm, một số ý kiến cho rằng ngay cả thủ đô Baghdad cũng bị ảnh hưởng.
Hiện IS cũng đang chiếm giữ đập Ramadi và khiến quan chức Iraq lo ngại về khả năng IS phát động “chiến tranh nước” (ảnh: AP)
Trung tướng Mỹ Sean MacFarland cho biết Mỹ đang huy động lực lượng phát triển kế hoạch dự phòng nhằm sơ tán dân chúng sống xung quanh đập.
Tuy nhiên theo giám đốc quản lý đập thủy điện Mosul ông Riyadh Izeddin, Mỹ không hề thông báo hay bàn thảo với các quan chức liên quan.
Hiện phía Baghdad cũng gặp không ít căng thẳng về kế hoạch tu sửa đập. Chỉ hôm thứ Tư 3-3 vừa qua, chính phủ vừa mới ký kết với công ty Ý hợp đồng trị giá 300 triệu USD để xúc tiến việc sửa chữa và làm mới cơ sở vật chất tại đập.
Tuy nhiên, giới truyền thông vẫn chưa rõ khi nào mọi việc sẽ bắt đầu vì chính phủ vẫn phải cất nhắc những nguy hiểm về mặt địa lý và kỹ thuật khi điều nhân viên sửa chữa đến đây.