Lạ lùng đề xuất tăng thuế xăng lên 8000 đồng/lít !

Chẳng hạn, đối với thuế thu nhập cá nhân thì theo lũy tiến 5%-35%, thuế thu nhập doanh nghiệp hiện là 20%. Xưa nay, đã nói đến thuế là luôn gắn với thuế suất.

Nhưng riêng với thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mà Bộ Tài chính đề xuất mới đây, khung thuế lại cụ thể bằng con số 3.000-8.000 đồng/lít.

Một chuyên gia am hiểu về thuế nhận định lẽ ra thuế BVMT cũng phải tuân theo nguyên tắc đánh theo tỉ lệ % của giá bán xăng. Theo nguyên tắc này, Bộ Tài chính hoàn toàn có thể đề xuất mức thuế suất, ví dụ 1%-10% trên giá nhập khẩu hay giá bán. Tuy nhiên, nếu áp thuế theo tỉ lệ % trên giá bán thì chắc chắn mức thuế BVMT đối với xăng không thể đạt khung 3.000-8.000 đồng/lít.

Có thể do một áp lực nào đó, chuyên gia trên nhận định cần phải thu về ngân sách hoặc cần nguồn lực bổ trợ thay vì để giải quyết vấn đề môi trường, nên mức thu được cụ thể hóa cho dễ được chấp nhận. Bởi nếu áp giá kịch khung 8.000 đồng/lít, quy đổi ra tỉ lệ %, thuế BVMT đã chiếm tới gần 50% giá bán. Dư luận sẽ phản đối cái nào nhiều hơn giữa thuế suất gần 50% hay mức 8.000 đồng/lít?

Điều này hẳn mỗi người đã có câu trả lời.

Chẳng vậy mà trong cuộc họp giữa các bộ, ngành về dự thảo thuế BVMT mới đây tại Bộ Tư pháp, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận với đại diện Hiệp hội Xăng dầu rằng: Cơ sở khoa học và thực tế cho khung thuế BVMT 3.000-8.000 đồng/lít xăng là “rất khó tính toán”.

Chưa hết, một lý do đáng chú ý mà Bộ Tài chính nêu ra để tăng thuế BVMT là để tiếp tục nghiên cứu bổ sung đối tượng thu, điều chỉnh mức điều tiết nhằm góp phần hạn chế sử dụng những hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Nhưng mục tiêu “hạn chế” này xem ra cũng không hợp lý. Bởi việc tăng thuế BVMT đối với xăng sẽ tác động lớn đến nền kinh tế vốn đang hội nhập sâu rộng với thế giới và đang đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt.

Ấy vậy mà trong dự thảo báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tài chính vẫn khẳng định rằng: “Tác động tiêu cực của đề xuất này: Không có”.

Mặt khác, nếu xác định hạn chế sử dụng những hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường sinh thái thì có lẽ vấn đề không chỉ nằm ở việc tăng thuế đối với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.

Có cách khác đơn giản hơn, thay vì sử dụng các loại xăng A92, Nhà nước có thể có chính sách khuyến khích sử dụng những loại xăng khác như xăng sinh học E5, E10. Khi đó tác động đến môi trường, sinh thái do các loại xăng này gây ra chắc chắn ít hơn mà lại không tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế như khẳng định của Bộ Tài chính tại báo cáo đánh giá tác động.

Bởi vậy, vấn đề hiện nay là Bộ Tài chính phải thuyết minh được tính hợp lý trong việc đề ra khung thuế lạ lùng kia và có những biện pháp mang tính chiến lược, bền vững thay vì đánh thẳng vào túi tiền của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm