Ông Thăng: NHNN mua OceanBank 0 đồng là không đúng

Chiều nay (19-3), HĐXX tiếp tục thẩm vấn ông Đinh La Thăng vụ thiệt hại 800 tỉ đồng tại OceanBank...
Trả lời về việc vì sao bị cáo vẫn quyết định đầu tư góp vốn trong khi có biết về việc OceanBank không có tiềm năng, ông Đinh La Thăng cho biết: "Đó là đánh giá thực trạng lúc đó và khả năng trong tương lai. Việc PVN quyết định đầu tư là rất chính xác vì việc đầu tư đã đem lại hiệu quả. Kết quả hoạt động của OceanBank đã chứng tỏ điều đó".
Với lần góp vốn thứ hai, ông Thăng ủy quyền cho ông Vũ Khánh Trường ký nghị quyết của HĐQT cho phép tăng vốn góp của PVN tại OceanBank thêm 300 tỉ đồng. Về nguyên tắc người được ủy quyền không cần báo cáo lại và ở thời điểm ký, ông Thăng không biết điều này nhưng ông vẫn nhận trách nhiệm về việc này. Sau đó ông Thăng cho biết ông có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.
“Tại phiên tòa lần trước, bị cáo bị quy kết HĐQT chưa ký nghị quyết mà đã trình Thủ tướng Chính phủ. Tại phiên tòa này, ký nghị quyết rồi mới trình Thủ tướng Chính phủ cũng bị quy kết. Cùng sự việc giống nhau đều bị quy tội hết” - ông Thăng nói.

Ông Thăng cũng khai việc chuyển tiền góp vốn lần thứ hai hoàn toàn đúng chủ trương của Đảng, đúng pháp luật và được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý. Ông Thăng khẳng định PVN đã thực hiện yêu cầu tại văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, đã cân đối vốn, tính toán và thấy rằng việc tăng vốn góp là phù hợp với xu thế lúc đó... “Tập đoàn không những đã thực hiện mà còn thực hiện rất nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Thăng nói.

. Trước khi quyết định góp vốn lần hai, PVN có đánh giá hiệu quả của lần góp vốn đầu tiên không?
+ Theo quy định của Nhà nước thì hằng năm đều có báo cáo giám sát, đánh giá hiệu quả của tất cả dự án đầu tư. Việc đầu tư này cũng có báo cáo đánh giá. Dù có hay hay không hay thì quan trọng nhất là kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả đó thể hiện qua chính việc chia cổ tức hằng năm của OceanBank... Nói hay gì thì hay nhưng không có cổ tức thì cũng chả hay.

Ông Thăng: NHNN mua OceanBank 0 đồng là không đúng ảnh 1
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến việc góp vốn lần thứ ba, ông Thăng cho biết đã ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng điều hành khi ông đi công tác gần 10 ngày. Trong thời gian này, ông Thắng đã ký nghị quyết chấp thuận PVN góp vốn bổ sung 100 tỉ đồng vào OceanBank, duy trì tỉ lệ góp vốn 20%.
Ông Thăng cho biết người ủy quyền không có trách nhiệm phải báo cáo về các công việc đã thực hiện nên ông không biết về Nnghị quyết số 4266 việc ông Thắng ký nghị quyết này. HĐXX cho đối chất với ông Nguyễn Xuân Thắng, ông Thắng nói sau khi ông Thăng đi công tác về có báo cáo việc này.
Chủ tọa khẳng định chủ tịch HĐTV có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐTV nên ông Đinh La Thăng buộc phải biết việc này.
Ông Thăng cho rằng mỗi ngày, lượng văn bản chuyển đến HĐTV rất nhiều, các nghị hành ban hành cũng rất nhiều. Chủ tịch HĐTV có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các Nghị quyết. Tuy nhiên, ông Thăng nói đây là thời điểm ông chuẩn bị chuyển sang nhiệm vụ mới, có rất nhiều việc cần phải làm nên ông cũng không đọc hết mọi tài liệu gửi về cho HĐTV trong thời gian đó.
Cũng theo ông Thăng, việc góp vốn theo kế hoạch năm 2011. “Bị cáo báo cáo Bộ Công Thương là không có khoản góp vốn để đầu tư vào OceanBank. Nghị quyết của HĐTV phê duyệt các danh mục dự án, danh mục đầu tư năm 2011 không có khoản 100 tỉ đồng góp vào OceanBank. Trong cuộc họp HĐQV hồi tháng 3-2011, ông Thăng đã chỉ đạo vốn của PVN tại OceanBank phải chuyển vốn của tập đoàn tại OceanBank cho đơn vị khác để bảo đảm tỉ lệ sở hữu theo quy định của pháp luật.
“Bị cáo không biết, chứ nếu biết đã có chỉ đạo dừng việc góp vốn này và đương nhiên, anh Thắng và những người khác không phải ra tòa như thế này” - ông Thăng nói.
Trả lời về việc thời điểm 2011, PVN vẫn duy trì tỉ lệ góp vốn 20% có trái với lLuật Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1-1-2011 không, ông Thăng đáp: Theo Luật Tổ chức tín dụng, các cổ đông là tổ chức không được góp vốn quá 15% vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc mua cổ phần, góp vốn hay thoái vốn của PVN tại OceanBank đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của NHNN Việt Nam. Thời điểm đó chưa có hướng dẫn của Chính phủ cũng như của NHNN. Việc PVN vẫn giữ 20% vốn điều lệ tại OceanBank là theo cái đã góp từ năm 2010.
“Nó cũng giống việc quy định năm học mới, mỗi một lớp học không quá 35 học sinh nhưng trước đó quy định là không quá 50. Việc hiệu trưởng ký giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm thì vẫn phải giao quản lý 50 học sinh chứ không chỉ giao quản lý 35 học sinh được. Tỉ lệ 20% này muốn rút được thì cũng phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, khi PVN đã tìm được đối tác để chuyển nhượng lại phần vốn này thì Thủ tướng Chính phủ không đồng ý nên PVN cũng không thể thoái vốn được” - ông Thăng so sánh.
. Theo kết luận của Thanh tra NHNN xác định, OceanBank mất khả năng thanh khoản, trong đó bao gồm cả 800 tỉ đồng PVN đã góp vốn vào OceanBank. Đến nay, PVN đã thu hồi được 800 tỉ đồng góp vốn vào OceanBank chưa?
+ Bị cáo làm chủ tịch từ tháng 2-2006 đến hết tháng 7-2011. Trong thời gian đó cũng như giai đoạn sau này, hết các năm 2011, 2012, 2013, OceanBank đều có lãi và chia cổ tức. Việc thu hồi 800 tỉ đồng đó thuộc trách nhiệm của PVN. Đến năm 2015, NHNN đã mua OceanBank với giá 0 đồng. Việc này chắc chắn là không đúng, vì Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ra yêu cầu dừng việc mua NH với giá 0 đồng.

16 giờ 30, HĐXX đề nghị VKS tham gia xét hỏi. VKS đề nghị HĐXX xét hỏi đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Hà Văn Thắm. Tuy nhiên, HĐXX nói “chưa thấy cần thiết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm