Thi hành án đối với chính mình?

Ngày 6-5, TAND tỉnh Đồng Nai đã xử phúc thẩm, tuyên buộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom phải bồi thường cho ông Vũ Đức Liêm gần 2,6 tỉ đồng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. ông Liêm đang phải khổ sở vì chuyện cơ quan thi hành án đang phải thi hành việc bồi thường cho ông.

Không bồi thường vì “không khách quan”?

Ông Liêm kể: “Sau phiên xử phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, ngày 17-5, tôi gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom. Chờ mãi không thấy Chi cục Thi hành án dân sự huyện có thông báo gì, cuối tháng 6, tôi sốt ruột tới liên hệ thì cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện mới đưa cho tôi xem một công văn mà Chi cục gửi lên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai và bảo là đang chờ chỉ đạo của cấp trên”.

Theo công văn trên, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom cho rằng theo Luật Thi hành án dân sự và Nghị định 58 ngày 13-7-2009 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự) thì thẩm quyền thi hành án trong vụ này thuộc về chính Chi cục. Việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom ban hành quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án đối với chính mình là “có bất cập” nên phải xin ý kiến chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Thi hành án đối với chính mình? ảnh 1

Ông Vũ Đức Liêm, người 15 năm ròng rã khiếu kiện để đòi lại quyền lợi hợp pháp. Ảnh: N.NGA

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom, cho biết: “Do không có tiền dư ra để trả nên chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên tỉnh và tỉnh đã thụ lý vụ việc. Vả lại, nếu chúng tôi tự thi hành với chính mình thì nó không khách quan”.

Bà Hồ Thị Thu Thảo (trưởng phòng giải quyết khiếu nại, tố cáo - Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom không thể tự ra quyết định thi hành án được vì sẽ không khách quan. Bà Thảo nói thêm: “Có sự chậm trễ thi hành án vì tôi gửi hồ sơ lên trên và họ bảo sai phải làm lại. Tổng cục Thi hành án dân sự có công văn chỉ đạo giải quyết theo thủ tục bảo đảm tài chính theo Nghị định 58 chứ không phải Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (?!). Hiện tôi đang chờ huyện làm lại hồ sơ theo chỉ đạo này. Tôi sẽ cố gắng hoàn tất sớm nhất hồ sơ trong tuần này hoặc sang đầu tuần sau để gửi hồ sơ ra Tổng cục”.

Khi chúng tôi xin xem công văn của Tổng cục thì bà Thảo nói: “Hồ sơ đang bị niêm phong trong kho nên không thể cho xem được”. Trong khi đó, ông Võ Hoàng khẳng định Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom chưa nhận được công văn nào hướng dẫn làm lại hồ sơ như bà Thảo nói.

Quy định rất rõ

Về mặt pháp lý, một chấp hành viên ở TP.HCM khẳng định: “Trường hợp này không có gì lấn cấn cả vì đây không phải là một vụ thi hành án dân sự thông thường mà là một vụ thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự. Mọi trình tự, thủ tục đều đã có rồi”.

Theo vị chấp hành viên này, trình tự, thủ tục để cơ quan thi hành án dân sự bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định rất rõ trong Nghị định số 16 ngày 3-3-2010 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) cùng Thông tư liên tịch số 24 ngày 15-12-2011 của Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng (hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự).

Theo Nghị định 16 và Thông tư 24 nói trên thì đơn vị đứng ra giải quyết việc bồi thường chính là Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom chứ không phải Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến Tổng cục Thi hành án dân sự để thực hiện thủ tục cấp phát, chi trả tiền bồi thường cho ông Liêm (khoản 1 Điều 19 Thông tư 24). Thủ tục cấp, chi trả tiền bồi thường cho ông Liêm được thực hiện theo quy định tại chương VI Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật có liên quan (khoản 2 Điều 19 Thông tư 24).

Mặt khác, trong trường hợp Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom không có tiền thì lập hồ sơ xin cấp kinh phí từ ngân sách để bồi thường cho ông Liêm.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với các phân tích trên. Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh: “Điều cần rút kinh nghiệm trong vụ này là cán bộ thi hành án phải giải thích rõ ràng cho người bị thiệt hại hiểu là đang lập hồ sơ xin cấp kinh phí từ ngân sách để thực hiện việc bồi thường”.

15 năm ngược xuôi khiếu kiện

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, năm 1996, ông Đỗ Ngọc Chất (nguyên đội trưởng Đội Thi hành án huyện Thống Nhất, nay là huyện Trảng Bom) đã ra 10 quyết định buộc vợ ông Liêm phải trả nợ cho một số người theo bản án của tòa. Khi tổ chức phát mại nhà, đất của vợ chồng ông Liêm, ông Chất và chấp hành viên Phùng Thế San đã cố tình làm lơ, không đề cập gì đến quyền lợi của ông Liêm trong khối tài sản chung này. Họ không cho ông Liêm tham gia vào quá trình thi hành án, tùy tiện áp giá, tạm giữ cả những vật dụng sinh hoạt... Bức xúc, ông Liêm và người con gái đầu (lúc đó đang là sinh viên) phản ứng trong buổi cưỡng chế thì bị bắt, bị phạt từ sáu tháng tù đến một năm tù về tội chống người thi hành công vụ.

Vì các sai phạm trong vụ thi hành án của vợ ông Liêm (cùng với sai phạm trong một vụ thi hành án dân sự khác), ông Chất và ông San đã bị khởi tố, kết án từ 12 tháng tù treo đến 30 tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng về phần mình, sau 15 năm ròng rã ngược xuôi gõ cửa khắp nơi kêu cứu, đòi lại quyền lợi chính đáng và hợp pháp, cuối cùng tháng 7-2012, ông Liêm đã được TAND huyện Trảng Bom tuyên buộc Chi cục Thi hành án huyện bồi thường gần 2,6 tỉ đồng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ngày 6-5-2013, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm. 

NGÂN NGA - MINH QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm