Vụ cướp giữa đàng, bị quàng vào cổ

Ngày 1-7, TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã đưa vụ Bùi Minh Lý cướp giật tài sản ra xét xử và tuyên án vào ngày 2-7. Với bản án ba năm tù mà tòa tuyên phạt Lý, những người dự tòa và từng theo dõi vụ án này một lần nữa tỏ ra thất vọng. Bởi lập luận mà tòa dùng để buộc tội bị cáo rất thiếu tính thuyết phục, mang tính suy đoán có tội.

Cây roi điện khả nghi

Lý sinh năm 1989, lúc bị bắt đang là bí thư Xã đoàn Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc (Long An). Lý là đảng viên, từng giữ chức chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự xã này. Do vợ Lý đang làm việc ở TP.HCM nên vào Chủ nhật mỗi tuần, Lý chạy xe từ Long An lên đón vợ về nhà. Theo thói quen, mỗi lần đi đón vợ, Lý đi theo hướng từ Nguyễn Hữu Cảnh quẹo qua đường D2 đến đường Ung Văn Khiêm rồi đi tắt qua con hẻm để đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh rồi qua Thanh Đa. Lần nào cũng thế, cả lúc đi đón và lúc chở vợ về, Lý đều đi qua đoạn đường này. Như thường lệ, Chủ nhật ngày 19-1-2014, Lý chạy xe lên Sài Gòn đón vợ. Chẳng may hôm ấy có một vụ cướp xảy ra tại quận Bình Thạnh, thế là Lý bị vướng vào vòng tù tội.

Hồ sơ vụ án thể hiện lúc 9 giờ tối hôm ấy, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tâm đãi tiệc tất niên tại tổ dân phố ở phường 25, quận Bình Thạnh (bàn tiệc đặt hai bên đường chỉ chừa một lối đi nhỏ ở giữa). Trong lúc chị Tâm đang bưng thức ăn ra bàn rồi định vào bưng tiếp thì bị một nam thanh niên chạy xe đến áp sát rồi một tay lái xe, tay kia giật sợi dây chuyền chị đang đeo trên cổ. Chị Tâm chụp lại sợi dây chuyền không được nên tri hô “Cướp, cướp, cướp! Nó giật dây chuyền”. Tên cướp rồ ga bỏ chạy.

Đang ngồi trong bữa tiệc, nghe tri hô, anh Hà Võ Trọng Nghĩa (chồng chị Tâm) và một người bạn liền lấy xe đuổi theo tên cướp. Lúc hai người chạy đến chùa Bảo Minh trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thì thấy một thanh niên (là Lý) đang chạy xe phía trước. Cả hai ép xe Lý rồi xông vào đánh. Do bị đánh tới tấp, Lý lấy cây roi điện mang theo đánh trả thì bị anh Nghĩa giật lại đánh vào đầu làm chiếc roi điện bị gãy. Sau đó hai người khống chế đưa Lý về nhà rồi gọi cho tổ trưởng dân phố và công an đến làm việc.

Trong cáo trạng, lời khai của chị Tâm thể hiện trong lúc anh Nghĩa đuổi bắt cướp thì phát hiện sợi dây chuyền bị đứt rơi xuống đúng nơi mình bị giật. Và trong lúc bị giật, chị đứng mặt đối mặt với tên cướp nên nhìn rất rõ mặt tên cướp, vì thế chị xác định Lý đúng là thủ phạm. Và dù đang vui vẻ cụng bia trong bữa tiệc, khi nghe tiếng tri hô, anh Nghĩa và những người làm chứng trong vụ án cũng nhìn rất rõ tên cướp (mà họ cho là Lý).

Bùi Minh Lý và chiếc mũ bảo hiểm có in huy hiệu đoàn mà bị cáo cho rằng đã đội trong ngày bị bắt. (Ảnh chụp mũ bảo hiểm cùng kiểu) Ảnh: NGỌC THÂN

Cướp xong chạy xe thong dong 20-30 km/giờ?

Ngay từ lúc bị bắt cho đến khi ra tòa Lý vẫn một mực khẳng định mình bị oan. Về cây roi điện, Lý khai do một người ở quê cho mượn mà chưa trả được. “Thấy bị cáo làm bí thư chi đoàn và bảo vệ trật tự trị an tại địa phương nên một người anh có cái roi điện đưa cho dùng. Lúc đưa cái roi đã bị hư, bị cáo mới sửa lại rồi dùng cho đến khi bị bắt. Bị cáo nghĩ mỗi lần đi đón vợ về khuya, đường vắng, sợ bị cướp nên bị cáo mới mang theo để phòng thân. Lúc thấy hai người đàn ông ép xe rồi nói “Nó kìa, nó kìa” rồi xuống xe đánh tới tấp vào mặt đến chảy máu, bị cáo mới lấy roi điện ra để chống cự”. Lý khẳng định: “Nếu bị cáo đi cướp thì khi bị đuổi, lẽ ra bị cáo phải chạy thật nhanh để thoát thân, đằng này bị cáo chỉ chạy với tốc độ bình thường 20-30 km/giờ”.

Ngoài ra, Lý còn khai: “Hôm ấy tôi không đội chiếc mũ bảo hiểm sẫm màu như người bị hại khai mà đội chiếc mũ bảo hiểm màu trắng có đường viền màu xanh do đại hội đoàn trao tặng”. Hai phiên tòa trước và tại phiên tòa này, tòa vẫn hỏi về chiếc nón bảo hiểm Lý đội, đường đi, chiếc khẩu trang, ánh sáng, chiếc roi điện… Lý khai hoàn toàn giống nhau.

Tòa hỏi: “Tại sao không đi đường khác gần hơn mà chỉ đi một con đường có nhiều khúc cua?”. Lý trả lời do không rành đường, sợ lạc nên chỉ đi đoạn đường quen thuộc này. (Trên thực tế, nếu đi từ đường Nguyễn Hữu Cảnh qua D2 mà muốn qua Thanh Đa thì con đường tắt này là ngắn nhất.)

Lời khai của bị hại về chiếc nón bảo hiểm, chiếc khẩu trang, ánh sáng đèn đường và đường đi của bị hại hoàn toàn khác với Lý. Tại tòa, anh Nghĩa khẳng định lúc đó anh đang đứng giữa các bàn tiệc (khoảng cách mỗi bàn rất nhỏ, phải nghiêng người mới đi được) để tiếp khách thì nghe tiếng hô “cướp! cướp!” nên anh vội vã lấy xe đi bắt. Lời khai này khác với lời khai trước đó là anh đứng trong bữa tiệc và nhìn thấy hung thủ giật sợi dây chuyền của vợ mình.

Anh Nghĩa còn khai khi ra khỏi bàn tiệc, lấy được chiếc xe đuổi tên cướp với tốc độ 70 km/giờ anh vẫn nhìn từ phía sau tên cướp. Khi chạy đến khúc cua thì bị khuất tầm nhìn. Cho đến khi chạy đến gần chùa Bảo Minh thì thấy Lý đang chạy chầm chậm, phía trước có chiếc xe ô tô đang đi vào hẻm (do chiếc xe ô tô chạy vào chắn hết đường) và anh áp sát xe, khống chế, dùng tay đánh để bắt Lý.

Tòa: Lần đầu đi cướp không rành đường nên chạy chậm!

Cuối cùng, tòa nhận định chiếc nón bảo hiểm có biểu tượng Đoàn do Huyện đoàn Cần Giuộc tặng cho Lý là có thật. Thế nhưng dù Lý và người nhà khai rằng bị cáo đã đội mũ này hôm 19-1-2014 nhưng không có chứng cứ nào khác xác nhận hôm đó Lý có đội. Việc cơ quan điều tra không thu thập chứng cứ về chiếc nón là thiếu sót về mặt nghiệp vụ. Tuy nhiên, chiếc nón bảo hiểm mà Lý khai không liên quan và không phải vật chứng trong vụ án. Chiếc nón bảo hiểm màu xám mà người bị hại và những người làm chứng khai Lý đội mới hoàn toàn khách quan.

Về chiếc khẩu trang, tòa cho rằng người bị hại và người làm chứng đều nói Lý không mang, còn Lý thì khai ngược lại và có đưa ra lý do để giải thích. Tuy nhiên, đến nay không biết chiếc khẩu trang ở đâu, Lý cũng không cung cấp được nên không thể làm vật chứng để xem xét.

Về ánh sáng nơi xảy ra vụ án đã thẩm tra tại phiên tòa qua lời khai của người bị hại và người làm chứng đều xác định lúc đó có đèn cao áp, trong bữa tiệc cũng có đèn nên sẽ nhìn rõ mặt. Vì thế, tòa xác định đây là chứng cứ xác thực, phải được xem xét. Cơ quan điều tra đã thực hiện đúng các thủ tục tố tụng. Còn những hình ảnh về ánh sáng đèn đường mà luật sư cung cấp lúc thực nghiệm hiện trường là không đúng thủ tục tố tụng. Ngoài ra, việc quay phim, chụp ảnh của luật sư không đúng với lúc xảy ra tại nơi cướp giật…

Một điều nữa, khi đi bắt cướp, anh Nghĩa có uống rượu nhưng ở mức vừa phải nên có thể quan sát rõ và đúng sự vật. Hơn nữa, với tâm lý muốn bắt được tên cướp thì dù có phải từ bữa tiệc chạy ra lấy xe mới đi bắt nhưng anh Nghĩa vẫn có thể tăng tốc nhanh để bắt được Lý. Còn Lý, do lần đầu đi cướp, không rành đường Sài Gòn nên khi gặp các khúc cua không thể tăng ga được và bị bắt là hiển nhiên.

Phía luật sư đưa ra bằng chứng lúc đi đón vợ Lý có mang theo tiền (hơn 3 triệu đồng) và vàng nên không thể đi cướp. Tòa cho rằng dù bị cáo có tiền và làm chức vụ gì đi nữa, khi gặp tài sản của người khác sẽ nảy sinh lòng tham mà cướp giật. Tòa cũng nhận định dù Lý là bí thư đoàn, có nhiều giấy khen nhưng do Lý không chí thú làm ăn lương thiện nên mới đi cướp giật…

Với những lập luận mang tính suy đoán khi buộc tội như trên, tòa phạt Lý ba năm tù. Lý và người thân cho biết sẽ kháng cáo vì bị tòa kết tội oan.

Sai sót trong lập biên bản quả tang

Để làm rõ về ánh sáng nơi xảy ra vụ án, tòa đã cho trình chiếu những hình ảnh và clip do luật sư cung cấp khi đi thực nghiệm hiện trường vụ án. Tuy nhiên, VKS cho rằng hình ảnh mà cơ quan điều tra cung cấp mới khách quan, còn hình ảnh, clip của luật sư thì không. Thế nhưng tòa lại không trình chiếu hình ảnh của cơ quan điều tra đã cung cấp.

Tại tòa, luật sư của Lý đưa ra biên bản bắt người phạm tội quả tang mà phía Công an phường 25, quận Bình Thạnh đã lập khi anh Nghĩa bắt được Lý. Luật sư phân tích khi bị anh Nghĩa bắt, trên tay Lý không có tang vật, cũng không bắt tại nơi xảy ra vụ án nhưng công an phường lại lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và Lý không được đọc là không đúng…

Cả viện và tòa đều thừa nhận việc công an phường lập biên bản quả tang, không thu thập chứng cứ tại hiện trường như chiếc nón bảo hiểm, chiếc khẩu trang của Lý, không đi giám định sợi dây chuyền, không giám định lốp xe (vì phía bị hại khai lúc xảy ra cướp chỉ một mình tên cướp chạy qua) là không đúng và vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, cả viện và tòa đều cho rằng việc sai sót của công an phường sẽ xử lý sau và không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án (?!).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm