Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh: Tháng 7-2015, bà Phạm Thị Năm ở ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM bị trộm vào nhà lấy vàng, nữ trang và tiền mặt mà bà cất giữ ở tủ đầu giường trong phòng ngủ, trị giá trên 300 triệu đồng. Ngay sau đó, Đặng Thanh Thuận (chưa thành niên) được mời đến công an xã làm việc. Bốn tháng trước đó Thuận từng bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp. Từ lời khai của Thuận, trong vòng năm ngày, lần lượt năm thanh niên khác trong xã bị bắt.
Đồng loạt kêu oan
Trong sáu bị can thì tại CQĐT, Thuận, Diệp Ngọc Quang (chưa thành niên), Lê Ngọc Thu, Trần Vinh Sang nhận tội. Hai người còn lại là Nguyễn Ngọc Tiền, Nguyễn Minh Cường kêu oan.
TAND huyện Bình Chánh đã bốn lần trả hồ sơ cho VKS cùng cấp yêu cầu trích xuất camera, giám định dấu vân tay các bị can nhưng VKS hoàn hồ sơ và giữ nguyên quan điểm.
Theo VKS, các dấu vết bám bụi đất để lại trên tường nhà bà Năm không rõ hình dạng, không thể giám định. CQĐT không thu giữ, kiểm tra, trích xuất camera tại tiệm game vì camera không còn lưu trữ do dữ liệu bộ nhớ của máy không nhiều. Camera của nhà kế bên tiệm game thì đã bị hư.
Ngày 28-9 vừa qua, tòa mở phiên xử lần thứ năm, phần xét hỏi tòa cho cách ly các bị cáo. Thuận thay đổi lời khai, kêu oan với lý do: “Do sợ nên lúc đầu nhận tội vì còn nhỏ dại, cũng do bị áp lực gia đình. Thực tế đêm hôm trước đến buổi sáng bị cáo ngủ ở nhà, có người nhà làm chứng”.
Bị cáo Thuận (đứng) kêu oan tại phiên tòa lần thứ năm. Ảnh: PL
Bốn bị cáo Tiền, Cường, Thu, Sang cùng kêu oan. Tiền khai thời điểm xảy ra vụ án ngủ ở nhà với vợ. Cường khai chơi game ở tiệm bắn cá từ nhiều ngày trước, không đi đâu. Thu khai đêm đó ngủ với anh Hai, Sang thì khai ngủ với cháu. Người thân của các bị cáo này đến tòa làm chứng cho những lời khai này và nói không phát hiện các bị cáo có số tiền lớn nào.
Chỉ có mình Quang nhận tội. Nhưng lời khai của Quang lại bất nhất về cách thức đột nhập vào nhà bà Năm và rời đi cũng như số người đem tài sản đi bán. Luật sư bào chữa cho Sang hỏi lời khai nào mới đúng, Quang đáp: “Cả nhóm trèo lên nóc nhà chui xuống, rồi chui ra cũng bằng đường này, sau đó chỉ có Tiền và Cường đi bán tài sản là lời khai đúng. Những lời khai khác là sai”.
Tiếp tục trả hồ sơ
Người bị hại Phạm Thị Năm trình bày: Buổi sáng bà thường cho mẹ ăn sáng xong thì đưa mẹ sang nhà người em rồi về đi chợ. Hôm đó về nhà, bà thấy cái thang bị chuyển chỗ khác, trên tường đầy dấu tay chân nên kiểm tra thì phát hiện tài sản tích cóp bấy lâu đã không còn.
Khi chưa kết thúc phần xét hỏi, HĐXX quyết định trả hồ sơ lần thứ năm với nội dung như đã từng yêu cầu bốn lần trước. Đó là thu giữ dấu vân tay để giám định dấu vết của tội phạm để lại nhà bà Năm, thu giữ camera để xác định có hay không việc các bị can tụ tập tại tiệm game rồi cùng nhau đi trộm.
Theo HĐXX, CQĐT phải tiến hành thu giữ camera chứ không thể chỉ tin vào lời khai là máy tràn bộ nhớ hoặc camera bị hư, đồng thời phải lấy lời khai của những người cho rằng chứng kiến việc ngoại phạm của các bị cáo kêu oan để đưa vào hồ sơ.
Rời phiên tòa, bà Năm than thở: “Tôi tới tòa hơn 10 lần rồi, mỗi lần đi là mỗi lần khó. Hồi đó mấy chú bắt được kẻ trộm ngay, giỏi quá chừng mà sao giờ ra tòa mấy cháu nó kêu oan không à. Tiền, vàng, nữ trang của tôi thì không biết ở đâu rồi…”.
Có thể cứu được dữ liệu đã xóa lâu ngày? Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, kỹ sư Đặng Xuân Quỳnh (Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp Việt Thanh) cho biết dữ liệu nói chung dù mất từ lâu vẫn có thể lấy lại được. Nhưng với điều kiện dữ liệu đó được lưu vào một phân vùng bất kỳ trên ổ cứng (hoặc thẻ nhớ) và khi xóa hay chép dữ liệu mới lên thì không bị lưu đè. Riêng dữ liệu dạng video, việc phục hồi khi ổ cứng chưa bị chép đi chép lại nhiều lần (mới xóa, hay format một lần) thì việc lấy lại flie video có kích thước dưới 1 GB là có thể làm được. Nhưng nếu dữ liệu này có kích thước file vài GB trở lên thì việc cứu lại dữ liệu thông thường không được do file bị lỗi, không có nội dung... Trường hợp các file video từ camera được camera ghi lại trong thẻ nhớ hoặc là đầu ghi có ổ cứng thì việc lấy lại dữ liệu đã bị lưu đè lên là điều không thể. Hoạt động của camera được lưu lại vào ổ cứng (hoặc thẻ nhớ) cho đến khi ổ cứng (hay thẻ nhớ) được lưu đầy, file tiếp theo sẽ được lưu đè lên file cũ nhất và dần dần theo thứ tự (chu kỳ lưu lặp lại như ban đầu). Như vậy, dữ liệu camera từ năm 2015 có lấy lại được hay không phụ thuộc vào việc phân vùng ổ cứng (hay thẻ nhớ) có bị format để lưu đè dữ liệu mới lên chưa. Nếu từng phân vùng ổ cứng (hoặc thẻ nhớ) đã bị lưu đè dữ liệu nhiều lần thì việc lấy lại dữ liệu cũ là không thể. |