Theo bài xã luận do PLA Daily (Quân đội giải phóng nhân dân nhật báo) – cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc - đăng tải ngày 30-1, Trung Quốc phải mở rộng kho vũ khí hạt nhân mới có thể ngăn chặn tốt hơn và đánh trả một cuộc tấn công của kẻ thù trong bối cảnh bức tranh về địa chính trị bất ổn, hơn nữa Mỹ dường như cũng chủ trương tăng cường hạt nhân.
Bài xã luận viết rằng Bắc Kinh có đủ vũ khí hạt nhân để răn đe các cường quốc hạt nhân “bắt nạt” nước này song vẫn cần phải có phản ứng với những thay đổi trong chiến lược của Mỹ, theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Trung Quốc hồi cuối tháng 12 vừa qua đã cho thử nghiệm tên lửa đạn đạo siêu thanh DF-17. Ảnh minh họa: National Interest
“Để tăng cường sự đối trọng chiến lược trong khu vực và duy trì vị thế cường quốc của Trung Quốc, đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia, Trung Quốc phải củng cố và phát triển khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy” – bài báo viết.
Bài xã luận cho hay Bắc Kinh vẫn sẽ bám học thuyết “không sử dụng đầu tiên”, nghĩa là sẽ không để xảy ra trường hợp nước này phải sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Bài xã luận xuất hiện khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tiết lộ chính sách vũ khí quân sự mới trong tuần này.
Tờ Huffington Post thông qua một dự thảo của tài liệu bị rò rỉ cho biết Washington sẽ tăng cường các dự án hạt nhân mới và sẽ triển khai thêm nhiều quả bom hạt nhân “hiệu suất thấp”. Theo giới phân tích quân sự, Bắc Kinh đã sẵn sàng tăng cường kho đầu đạn hạt nhân của nước này nhưng không có ý định đối đầu với Washington.
Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc chỉ cần tăng cường khoảng 100 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí nước này thì đã có thể đối phó các đe dọa đặt ra từ Mỹ và Ấn Độ. “Việc duy trì vũ khí hạt nhân hết sức tốn kém và Trung Quốc lại rất thực tế. Bắc Kinh sẽ không vung quá nhiều tiền để chạy đua vũ trang” – chuyên gia Zhou nói.
Trung Quốc không bao giờ công khai quy mô của kho vũ khí hạt nhân nước này, nhưng Hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở Washington ước tính nước này có tổng cộng 270 đầu đạn, đứng thứ tư trong số năm quốc gia sở hữu hạt nhân. Nga có 7.000 đầu đạn, Mỹ có 6.800, Pháp 300 và Anh 215 đầu đạn.
Máy bay ném bom chiến lược tàng hình tầm xa B-21 Raider của Mỹ. Ảnh: SCMP
Song Zhongping, cựu thành viên của quân đoàn pháo binh số 2 của quân đội Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh cần có vài trăm đầu đạn hạt nhân để có thể triển khai mọi lúc nhưng không cần phải có nhiều như Mỹ và Nga.
“Trung Quốc có thể thiết kế vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn nếu có chiến tranh. Mục tiêu cuối cùng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là tăng cường tính hiệu quả của sức mạnh phản công hạt nhân” – ông Song nhấn mạnh.
Mỹ và Nga đã đảo ngược nỗ lực không phổ biến hạt nhân trong hàng thập kỷ qua để hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ.
Washington đang phát triển ít nhất sáu vũ khí hạt nhân thế hệ mới, trong đó có nhiều tên lửa, máy bay ném bom chiến lược tàng hình tầm xa B-21 để vận chuyển vũ khí thông thường hoặc vũ khí nhiệt hạch và một tàu ngầm hạt nhân tân tiến.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi đầu tháng này nói rằng phần lớn vũ khí hạt nhân nước này sẽ được nâng cấp trong vài năm tới, theo hãng thông tấn TASS.
Cả chuyên gia Song và Zhou đều nói rằng Trung Quốc đang nỗ lực nâng cấp công nghệ hạt nhân, bao gồm kỳ vọng biến các bệ phóng tên lửa mang một đầu đạn thành các bệ phóng tên lửa mang nhiều đầu đạn, đồng thời tích hợp các hệ thống tên lửa được phóng trên đất liền, trên biển và trên không.
“Trung Quốc đã và đang phát triển nhiều loại tên lửa mang đầu đạn thông thường, từ tầm ngắn cho tới tầm xa. Tất cả tên lửa này đều có thể được nâng cấp thành vũ khí hạt nhân đầy uy lực” – ông Song nhấn mạnh.
Theo ông Zhou, tên lửa đạn đạo siêu thanh mới của Bắc Kinh DF-17 cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Trung Quốc kỳ vọng tên lửa đạn đạo DF-17 không chỉ có thể thách thức Mỹ mà còn tấn công các mục tiêu quân sự ở Nhật Bản và Ấn Độ với độ chính xác cao hơn.
Giai đoạn cuối của chiến tranh Lạnh, Mỹ đã triển khai hơn 10.000 đầu đạn hạt nhân, trong khi Liên Xô có 40.000 đầu đạn hạt nhân. Dù vậy, Washington và Moscow cả hai đều đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của họ theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới.