Ngày 24-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn tuyên bố sẽ mở rộng chiến dịch đến Manbij, nơi đang có lực lượng đặc biệt của Mỹ đóng quân.
Giữa tình thế căng thẳng, giới lãnh đạo Mỹ trong ngày 23-1 lại thể hiện sự thiếu thống nhất trong vấn đề ủng hộ các tay súng YPG. Nhà Trắng ngày 23-1 đã một lần nữa ra thông điệp xoa dịu chính quyền Ankara, phủ nhận kế hoạch lập Lực lượng an ninh biên giới ở Đông Bắc Syria. Thông điệp của Nhà Trắng nhanh chóng bị Bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ khi ra tuyên bố ủng hộ lập một lực lượng do người Kurd dẫn đầu, ám chỉ kế hoạch lập Lực lượng an ninh biên giới Syria. Trong phát ngôn, Bộ Quốc phòng Mỹ không dùng cụ thể cụm từ “lực lượng an ninh biên giới” mà gọi đó là lực lượng an ninh địa phương với sứ mệnh đảm bảo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không hồi sinh. Các quan chức quân đội Mỹ cũng nói nhiệm vụ của lực lượng này chỉ là bảo vệ an ninh tại Syria chứ không đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ.
Dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ, tờ New York Times cho biết kế hoạch được các nhà hoạch định quân sự cấp trung trên chiến trường Syria nghĩ ra nhưng chưa bao giờ được bàn bạc nghiêm túc hay được đề xuất chính thức với Nhà Trắng hay Hội đồng An ninh Quốc gia. Vị quan chức này cũng nhấn mạnh rằng Mỹ không có liên hệ gì với lực lượng người Kurd ở Afrin, đồng thời nói hành động của Mỹ ở Syria sẽ dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia. Trong khi đó, tướng James Jarrard, Tư lệnh các lực lượng đặc biệt ở Iraq và Syria, đề cao vai trò của đối tác YPG. Với nhiều quan chức quốc phòng và tướng lĩnh quân đội Mỹ, YPG là át chủ bài của các chiến dịch liên quân trong nhiều tháng tới.
Theo New York Times, từ các thông điệp mâu thuẫn này có thể thấy Mỹ vẫn chưa tìm ra lời giải cân bằng lợi ích, giữa một bên là đồng minh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và một bên là lực lượng người Kurd - đối tác chủ lực chống IS. Trong khi đó cựu đại sứ Mỹ tại Syria, ông Robert S. Ford, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông (Mỹ), nhận định chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đã dồn Mỹ vào thế lưỡng nan. Thái độ cứng rắn không nể nang của Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ trở nên yếu thế ở Syria. Sự lưỡng lự và không rõ ràng cũng khiến Mỹ đánh mất niềm tin của đồng minh người Kurd. Theo ông Ford, về lâu dài sẽ rất khó cho Mỹ đạt được mục tiêu ổn định và cải cách chính trị ở Syria.