Tại phiên thảo luận về báo cáo kinh tế-xã hội chiều 31-10, đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Cà Mau) đã tranh luận với hầu hết ĐB trên bình diện giám sát.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận về vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề xã hội mà Chính phủ báo cáo.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, những vấn đề kinh tế, xã hội mà các ĐB đề cập từ sáng tới giờ không thể không có trách nhiệm của ĐB Quốc hội (QH), các đoàn ĐBQH. Bởi theo ĐB Nhưỡng, chức năng giám sát của QH và ĐBQH đã được quy định và QH không thể đứng ngoài những biến động của xã hội cũng như những vấn đề mà Chính phủ nêu trong báo cáo.
“Những vụ việc nổi cộm như Đồng Tâm, Sơn Trà… ĐBQH vai trò ở đâu? Chỉ trong thời gian giữa hai kỳ họp, số lượng phân bón tăng từ 7.000 loại lên tới 14.000 loại. Vụ việc phân bón giả Thuận Phong ở Đồng Nai xảy ra đã lâu nhưng chưa thấy những động thái giám sát cần thiết” - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng còn đề cập đến nhiều vấn đề khác nhằm nói đến vai trò của QH và ĐBQH. Tuy vậy, thời gian ba phút là không đủ cho ông.
Ngay sau đó, ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) đứng lên tranh luận với ĐB Lưu Bình Nhưỡng. Nội dung tranh luận chính là vụ phân bón Thuận Phong.
Theo ĐB Năm, quan điểm của Đồng Nai là kiên quyết xử lý vụ Thuận Phong vì vụ việc này ảnh hưởng lớn tới người nông dân cũng như thu nhập chính đáng của họ.
Đại biểu Hồ Văn Năm tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về vụ việc Thuận Phong sản xuất phân bón giả. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Vụ Thuận Phong thì lúc đầu do các cơ quan trung ương phát hiện và chuyển giao cho Đồng Nai xử lý. Các cơ quan trung ương yêu cầu xử lý Thuận Phong về tội buôn bán hàng giả. Thế nên phải giám định. Nhưng khi giám định thì lại có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ” - ĐB Năm lý giải.
Vẫn theo ĐB Năm, sau đó vụ Thuận Phong đã được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao cho Bộ Công an xử lý, rồi Bộ Công an giao cho Đồng Nai xử lý. “Các cơ quan tố tụng của Đồng Nai đã họp và nhận định không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố” - ĐB Năm nói.
Tuy vậy, sau này vụ việc tiếp tục được giao cho Đồng Nai xử lý. Các cơ quan tư pháp lại họp và xem xét kỹ. Bởi theo ĐB Năm: “Vụ việc này ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của doanh nghiệp nên phải cân nhắc...”.
ĐB Nguyễn Hồng Vân (Cà Mau) cũng tranh luận lại với ĐB Lưu Bình Nhưỡng. ĐB Vân cho rằng: Các ĐBQH đều đồng hành với Chính phủ và không phải lúc nào sự đồng hành ấy cũng cần phải gặp gỡ báo chí để… nói rõ.