Sáng 21-11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, nhiều đại biểu đặt vấn đề về thu hồi tai sản bất minh.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề đối với trường hợp sở hữu tài sản không rõ nguồn gốc hoặc nguồn gốc không hợp pháp, “luật có coi là tài sản bất minh hay không?”.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng)
Theo ông Sơn, đây là vấn đề cốt tử của phòng chống tham nhũng và “phải làm bằng được” vì chỉ khi “trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng, kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản” thì mới chống được tham nhũng.
"Việc chuyển quyền sở hữu xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn nhưng lại không bị vấp phải bất kỳ một hành động kiểm soát nào từ cơ quan nhà nước, làm cho việc này trở thành nơi trú ẩn, một sự lựa chọn tốt nhất để cất giấu tài sản tham nhũng mà có. Đây chính là trở ngại cho chính việc phòng, chống tham nhũng của chúng ta trong nhiều năm qua” - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cho rằng quan chức phải có trách nhiệm giải trình, chứng minh nguồn gốc tài sản của mình hợp pháp, nếu không chứng minh được thì Nhà nước sẽ tịch thu.
“Việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vụ án hình sự, còn trong phạm vi của Luật Phòng, chống tham nhũng thì trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản phải là chủ sở hữu tài sản. Nếu anh không chứng minh được thì Nhà nước sẽ thu hồi tài sản. Việc này không mâu thuẫn” - ông Sơn nói và đề nghị đưa vấn đề thu hồi tài sản bất minh vào dự luật.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)
Đồng quan điểm với ông Sơn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh việc thu hồi tài sản bất minh không mâu thuẫn với quyền bảo hộ về tài sản được Hiến pháp quy định.
“Mọi công dân có quyền sở hữu tài sản hợp pháp và tài sản của mọi công dân đều phải minh bạch, chứ không phải chỉ có quan chức mới phải minh bạch. Ở các nước, người dân bình thường phải chứng minh được tài sản của mình nếu không cục thuế nhảy vào, không giải thích được thì cục thuế xử lý liền” - ông Nghĩa nói.
Liên quan đến nội dung này, trước đó ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho hay hiện pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Vì vậy mới có tình trạng quan chức chỉ bị kỷ luật khi kê khai tài sản không trung thực, còn tài sản của họ thì không xử lý được.
Bà Thuỷ dẫn: “Một số trường hợp kê khai không đúng vừa qua nhưng chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai, có thể khiến trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức, chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ. Muốn tịch thu khối tài sản này thì phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Và đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án”.
ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn)
Theo bà Thủy, Ban soạn thảo giải thích cho việc không bổ sung quy định xử lý tài sản bất minh là “để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về Nhà nước. Tức muốn tịch thu khối tài sản đó, cơ quan nhà nước phải chứng minh chứ không phải người có tài sản có trách nhiệm giải trình”.
“Chúng tôi khác quan điểm với Ban soạn thảo, bởi lẽ tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra lâu rồi mới phát hiện, độ ẩn của tội phạm là rất cao, do đó nếu không có tố tụng đặc biệt vượt lên khuôn khổ pháp lý thông thường thì không xử lý được” - bà Thuỷ nhấn mạnh.
Theo bà Thuỷ, hành vi tham nhũng khác với “tội giết người, cướp của, đánh nhau gây thương tích”, nó thường diễn biến trong thời gian dài, làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Chính vì vậy cần quy định về việc xử lý tài sản bất minh của quan chức để “sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản”.