Và cũng không ít lần tôi thầm nghĩ: Đất nước mình giàu tài nguyên như thế sao vẫn cứ mãi nghèo?
Tôi cũng đặt câu hỏi như thế khi tìm hiểu về các dự án khai thác titan ở Bình Thuận, nơi được quy hoạch là “trung tâm khai thác, chế biến titan” lớn nhất nước. Đáng lẽ với lượng quặng titan lên đến 550 triệu tấn, Bình Thuận sẽ hưởng lợi đáng kể từ nguồn tài nguyên khổng lồ này. Thế nhưng trên thực tế, dù các mỏ titan được khai thác ồ ạt nhưng năm năm qua, tiền thuế tỉnh Bình Thuận thu được từ các doanh nghiệp khai thác chỉ chiếm 0,5%-1% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Nếu lấy số tiền ít ỏi có được từ các dự án khai thác titan để so sánh với cảnh tượng môi trường bị tàn phá tan hoang ở Bình Thuận thì có lẽ lợi ích thu được chẳng thấm tháp gì so với những thứ quý giá đã mất đi. Và nếu doanh nghiệp khai thác titan không thu được nhiều lợi nhuận (theo tỉ lệ tiền thuế nộp vào ngân sách địa phương) thì tại sao họ lại quyết định đầu tư và “đeo bám” đến cùng?
Với câu hỏi này, các tình huống có thể xảy ra như: Một là cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được nguồn lợi thật sự từ các dự án khai thác titan. Hai là quy hoạch về khai thác titan “có vấn đề” dẫn đến hiệu quả thấp. Hoặc cũng có thể cùng lúc xảy ra cả hai tình huống này.
Trò chuyện với người viết, nhiều nhà khoa học tâm huyết về lĩnh vực khai thác tài nguyên cho rằng quy hoạch về khai thác titan ở Bình Thuận nói chung và về khai thác tài nguyên ở nước ta thường đưa ra những con số không thật về trữ lượng quặng. Đơn cử gần 559 triệu tấn quặng titan ở Bình Thuận chỉ là con số phỏng đoán, chưa có cơ sở khoa học. Vì khi dùng đến khái niệm “quặng titan” thì phải nghiên cứu cả về kỹ thuật, công nghệ khai thác - chế biến chứ không chỉ dựa vào những kết quả thăm dò sơ sơ…
Vì quy hoạch tài nguyên đưa ra những con số không thật nên mới dẫn đến tình trạng khai thác không đạt hiệu quả về kinh tế, xã hội. Điều này rất dễ dẫn đến tình huống để thu được lợi nhuận, doanh nghiệp chỉ chăm chăm lấy quặng, bỏ qua các quy định về bảo vệ môi trường. Hàng chục vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở các dự án khai thác titan tại Bình Thuận đã nói lên điều đó. Nguy hiểm hơn, khi bài toán hiệu quả về kinh tế và môi trường không được làm rõ ngay từ đầu, những tiêu cực trong cấp phép và quản lý khai thác cũng dễ có “đất” để sinh sôi.
Bình Thuận có lẽ là tỉnh đầu tiên lên tiếng mạnh mẽ về những bất cập do quy hoạch khai thác titan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh. Song đây cũng là câu chuyện chung của cả nước về khai thác tài nguyên. Đã đến lúc chúng ta không chỉ dựa vào những khái niệm chung chung “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu, tài nguyên vô số…”, mà phải đưa ra được những con số cụ thể về lợi nhuận có thể thu được khi thai thác tài nguyên đúng cách, không tàn phá môi trường.
Câu chuyện khai thác titan ở Bình Thuận cũng cho thấy nếu những lỗ hổng trong quy hoạch, trong cấp phép, quản lý khai thác tài nguyên không được ngăn chặn, dù đất nước có giàu tài nguyên đến cỡ nào thì nguồn lợi cũng chưa chắc thuộc về nhân dân.