Khi chủ tịch Quốc hội phải than trời về phí

Nhưng ngay sau đó, mọi người lại choáng váng trước tin còn đến cả ngàn loại phí nông nghiệp bị thu tùy tiện.

Với “một rừng” loại phí trên, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Phí và lệ phí diễn ra ngày 10-8, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên: “Hàng ngàn loại phí nông nghiệp như thế mà lại thu tùy tiện... Một quả trứng đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí, trời đất ơi làm ăn như thế!”.(Xem thêm bài Nông nghiệp cõng hơn 1.000 loại phí, lệ phí).

Thực ra không chỉ chủ tịch QH bức xúc mà từ lâu chuyện phí - nhất là tình trạng phí chồng phí, cùng một sản phẩm làm ra nhưng có thể phải đóng từ hai đến nhiều lần phí - đã gây bức xúc cho DN, người dân. Bởi nó không chỉ tạo ra gánh nặng cho dân, làm giảm sức cạnh tranh của DN mà còn tạo ra vô số phiền toái liên quan đến thủ tục hành chính thu phí - nộp phí.

Thế nhưng vì sao rất nhiều lần cơ quan chức năng rà soát, bãi bỏ phí nhưng nó không giảm mà có xu hướng gia tăng? Các cơ quan hữu quan lý giải rằng do tình trạng chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành và cơ quan hữu quan. Ví dụ một quả trứng do nhiều bộ quản, các bộ lại không có sự kết nối dẫn đến phí chồng phí làm khổ DN, người dân. Mặt khác, việc ban hành chế độ thu phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Song đó không phải là cái gốc của vấn đề. Một chuyên gia từng phân tích nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ không ít người tư duy để có tiền nuôi bộ máy thì cần phải thu nhiều và tăng thu từ người dân và DN. Bằng chứng rõ nhất là mới đây, sau khi Bộ NN&PTNT đề nghị bỏ 31 loại phí, lệ phí liên quan đến thú y thì lập tức 17 tỉnh, thành kiến nghị chưa nên bỏ. Lý do: Nếu bỏ sẽ làm giảm nguồn thu của hệ thống thú y.

Thế nên để giảm gánh nặng phí, bên cạnh việc bỏ các loại phí không còn phù hợp, cao hơn mức quy định… thì vấn đề quan trọng nhất là phải bỏ suy nghĩ cứ thiếu tiền là thu của dân và coi đó là “bầu sữa” để bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách. Đặc biệt việc thu phí phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người dân, DN và Nhà nước. Nếu chỉ quan tâm đến việc thu sao cho được nhiều thì cũng đồng nghĩa với việc triệt tiêu nguồn thu về dài hạn và khi đó câu chuyện “gà vừa mở mắt đã còng lưng gánh phí” như chúng tôi từng phản ánh sẽ còn dài dài.

Không ai phản đối việc thu phí, lệ phí nhưng vấn đề là mức thu, cách thu phải hợp lý và hợp lòng dân. Nếu không hội đủ các điều kiện trên dĩ nhiên phải bỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm