Ai cũng từng là học sinh và ai cũng ít nhất một lần bị thầy giáo trách phạt. Tại sao các phụ huynh không nghĩ ngược lại, việc phạt học sinh quỳ gối trong giờ học (vì không thuộc bài) là chỉ vì cô giáo muốn con em mình học tốt hơn để nên người? Sao các phụ huynh lại có thể nhẫn tâm ép buộc (hoặc chí ít là gây sức ép) để một con người, hơn nữa là một cô giáo, người đang trực tiếp dạy dỗ con em họ làm việc như vậy? Càng kinh ngạc hơn khi một trong những phụ huynh là một đảng viên, là người có chức trách trong hội luật gia cấp huyện.
Có thể thấy qua vụ việc này, cô giáo đã bị làm nhục, bị xúc phạm danh dự nghề nghiệp nghiêm trọng. Hành động của các phụ huynh cũng đã xúc phạm đến những người làm nghề dạy học nói chung; là lời thách thức đánh vào truyền thống tôn sư trọng đạo đã có hàng ngàn năm của dân tộc. Đồng thời, nó cũng phản ánh một thực tế đau lòng: Giá trị nhà giáo đang bị xuống cấp trong mắt một bộ phận xã hội.
Với các em học sinh, với nhận thức hạn chế, hành động này không loại trừ khả năng làm cho giá trị người thầy xuống thấp trong mắt các em, để rồi có thể dẫn đến trường hợp một số em không còn tôn trọng thầy cô như trước. Kỷ cương trường lớp sẽ rối loạn và lúc đó thầy cô làm sao làm tròn chức năng trồng người của mình!
Hệ quả của vụ việc trên xem vậy là hết sức nghiêm trọng. Nên mấy ngày qua, dư luận xã hội lên án về việc làm của các phụ huynh cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, qua vụ việc, đây cũng là một lời nhắc nhở các nhà giáo về thực hiện nhiệm vụ của mình. Ngoài chức năng dạy học ở trường, ngày nay các nhà giáo được khuyến cáo cần quan tâm, hợp tác rộng rãi và chặt chẽ với phụ huynh để công việc giáo dục trẻ hiệu quả hơn.
Được biết chính quyền huyện Bến Lức và Bộ GD&ĐT đang xác minh xử lý vụ việc. Bộ GD&ĐT cũng đã có chỉ đạo cụ thể. Dư luận mong rằng qua vụ việc này, ngành giáo dục nên có ngày càng nhiều hoạt động để tôn vinh, trả đúng người thầy về vị trí của mình.