'Muốn được nể trọng, người thầy phải có tâm, có tài'

Mới đây, dư luận vô cùng bức xúc trước thông tin cô giáo ở Long An phải quỳ trước phụ huynh chỉ vì trước đó cô phạt học sinh chưa ngoan phải quỳ.

Là một nhà giáo, tôi tự nhận thấy trước đây hình ảnh thầy, cô giáo thật đẹp đẽ, cao quý trong tâm trí học trò. Hiếm khi thấy có chuyện học sinh vô lễ, hành hung, phụ huynh xúc phạm, chửi bới giáo viên. Mặc dù đời sống khó khăn nhưng những ai từng làm nghề dạy học thời ấy đều cảm thấy rất vinh dự, tự hào về nghề của mình.

Ngày nay, khi điều kiện kinh tế-xã hội đã thay đổi tích cực hơn thì dường như  truyền thống tôn sư trọng đạo bắt đầu phai nhạt, lung lay. Tình cảm thầy trò không còn như xưa khi những thông tin thầy đánh trò, trò hành hung, đe dọa thầy, trò chửi bới, bóp cổ cô… cứ xuất hiện trên báo mỗi lúc một nhiều. Không ít nhà giáo đã xót xa, buồn bã thốt lên: Nghề giáo bạc hơn vôi!

Với môi trường sống như hiện nay, thầy cô đều thừa nhận giáo dục đạo đức cho học sinh trở nên phức tạp, khó khăn hơn trước rất nhiều. Cạnh đó, vai trò giáo dục con cái của các gia đình cũng đang là khâu yếu khi cha mẹ đang ngày càng dành nhiều thời gian cho công việc, rút bớt thời gian dành cho con hơn. Ấy là chưa kể không ít gia đình “khoán trắng” con cho trường.

Cũng có những gia đình thì lại thương con, chiều chuộng con quá mức. Con muốn gì được nấy nên đâm ra coi thường tất cả. Nhiều khi chuyện ở trường xảy ra nhỏ nhưng họ lại xé ra to, rồi nóng giận, to tiếng với thầy cô…  để bênh con.

Nói đi cũng phải nói lại. Nhiều năm trở lại đây, số lượng thầy cô non yếu, hạn chế cả về kiến thức lẫn phương pháp được ra giảng dạy không hề nhỏ. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến phụ huynh, học sinh xem thường, ít nể trọng thầy cô như xưa.

Đáng buồn hơn, một số thầy cô không giữ được phẩm chất, đạo đức của người thầy, làm những việc tiêu cực, sai trái: xúc phạm, bạo lực, sàm sỡ học trò, tham gia đường dây chạy điểm, chạy trường… Nhiều người lấy lý do đồng lương ít ỏi, không đủ sống làm chiêu trò kiếm thêm tại nhà qua các tiết học thêm, em nào không đi học thì chiếu tướng, cho bài tập, chấm điểm khắt khe…. Những việc làm không hay như vậy cứ diễn ra làm cho ngành giáo ngày càng thêm “mất giá”, ngày càng “bớt thiêng”.

Nói như vậy để thấy, muốn lấy lại được hình ảnh, vị trí đẹp đẽ, đáng quý của người thầy trong bối cảnh xã hội đã có nhiều đổi thay là điều không dễ chút nào. Nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ xã hội, nhận thức của phụ huynh, bản thân người học đến chất lượng đội ngũ nhà giáo. Trong đó, yếu tố chất lượng của nhà giáo có tính chất quyết định.

Còn các thầy cô giáo, trước khi mong được xã hội nể trọng mình thì từng người hãy cố gắng là người có tâm, có tài thật sự. Luôn tâm huyết, trách nhiệm hết mình với công việc gieo chữ, trồng người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm