Chống độc quyền giá thuốc: Khó hay dễ?

Các đại biểu đặc biệt quan tâm chống độc quyền, thao túng của doanh nghiêp dược nước ngoài, cụ thể là kiểm tra tại nước ngoài về chất lượng và quản lý giá chứ không thả nổi như lâu nay. 

Các đại biểu kiến nghị rằng Luật Dược nên hạn chế tầng nấc trung gian đối với thuốc nhập khẩu để kiểm soát giá. Một thí dụ điển hình là TP.HCM có đến 2.000 công ty phân phối nên một viên thuốc ngoại về Việt Nam đã đi lòng vòng quá nhiều trung gian rồi mới đến tay người bệnh, như thế giá đẩy lên cao không có gì lạ. Rồi thậm chí đề nghị là phải ghi rõ giá thuốc bán lẻ ra thị trường trên vỏ hộp.

Có khả thi không? Nếu quy định hạn chế tầng nấc trung gian, vậy trung gian ở trong nước hay nước ngoài? Trung gian ở trong nước thì có thể khắc phục được, còn ở nước ngoài thì… có thể bó tay! Một viên thuốc muốn về Việt Nam nó cũng đi lòng vòng vài nơi, vài đại gia phân phối lớn rồi mới về chứ đâu phải đi thẳng từ nhà máy sản xuất về cảng Việt Nam.

Việc ghi giá thuốc bán lẻ trên vỏ hộp thì có khả thi nhưng điều đó là hình thức. Bởi thuốc đã được làm giá từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cơ quan quản lý không thể biết giá xuất xưởng của nó là bao nhiêu, nó đã được làm giá lên bao nhiêu nên việc kê khai, kê khai lại giá của các nhà nhập khẩu là một hình thức. Doanh nghiệp khai bao nhiêu thì cơ quan quản lý ghi nhận bấy nhiêu. Nhiều doanh nghiệp kê khai giá nhưng khi kê khai lại giảm giá nhưng vẫn lời 10%-20% là chuyện rất bình thường. Rồi quy định thặng số bán buôn, bán lẻ nhưng cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không nắm được giá thuốc xuất xưởng để có khống chế.

Rồi kiểm soát bác sĩ “đi đêm” với trình dược viên để kê toa hưởng hoa hồng. Nhưng khi với thuốc Việt chưa tạo lòng tin cho bác sĩ mà bắt bác sĩ kê toa thuốc BHYT là điều “trái lương tâm”, bởi không cho bệnh nhân thuốc tốt thì đâu có hết bệnh được. Nên bác sĩ cứ kê thuốc ngoại, một mặt là để bệnh nhân yên tâm, mặt khác là… có thêm thu nhập.

Muốn chống độc quyền nâng giá, bên cạnh áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, thuế quan thì phải bắt đầu từ chính sách phát triển công nghiệp dược Việt Nam, đó mới là lâu dài.

Nếu trong nước có nền sản xuất nguyên liệu tốt, có nghiên cứu phát triển thuốc mới, thuốc đặc trị thì thuốc nhập khẩu dù có muốn bán giá rẻ cũng chưa chắc cạnh tranh được. Đằng này chính sách phát triển công nghiệp dược trong nước chưa đi vào thực tế, công nghiệp hóa dược nhiều chuyên gia cho rằng là con số không. Có ý kiến khác thì nói ngành dược đang đi một chân vì thiếu chính sách nên mạnh ai nấy làm, không có định hướng, không đồng bộ. Nhiều nhà máy đạt chuẩn quốc tế nhưng chủ yếu sản xuất thuốc thông thường và công suất chỉ 40%-50%. Nhiều nhà máy nhưng không có nhà máy nào sản xuất thuốc biệt dược do mình tự nghiên cứu ra mà hầu như sản xuất hàng trăm mặt hàng, rồi cạnh tranh với nhau, rồi đua nhau giảm giá, như vậy chất lượng cũng giảm theo. Đây là cơ hội cho thuốc ngoại tràn vào mà chất lượng thuốc ngoại (trừ thuốc được bảo hộ sáng chế độc quyền, thuốc đặc trị) thì vẫn còn là dấu chấm hỏi.

Như ở một số nước, cơ chế độc quyền thuốc không có ý nghĩa nếu trong nước có dịch bệnh hay cần khẩn thì họ có thể sản xuất thuốc theo công thức thuốc độc quyền. Còn ở nước ta chưa có cơ chế này nên khi cần thì phải đi mua gấp mà mua gấp thì giá khỏi bàn cãi, lúc nào cũng cao ngất ngưởng, cao nhất thế giới!

Chống độc quyền giá thuốc hiện nay khó hay dễ? Thực tế hiện nay là rất khó. Do vậy, bên cạnh bàn chính sách hạn chế, kìm sự tăng giá thuốc chống độc quyền, chúng ta nên bàn sâu tìm phương pháp phát triển nền công nghiệp dược nước nhà chất lượng để bác sĩ tin, dân tin dùng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm