Khi Thủ tướng bị giám đốc sở vượt mặt

Ở thời điểm mà các vi phạm xây dựng “khủng” xảy ra rần rần, thông tin trên làm nhiều người nghĩ ngay đến việc chủ đầu tư tự ý làm việc đã rồi và chính quyền thì cản không nổi. Chừng coi kỹ lại thì hóa ra không phải. Các chủ đầu tư liên quan đều tổ chức thi công đúng răm rắp và sai trái lại nằm ở chính giấy phép của Sở Xây dựng tỉnh cấp!

Với đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 9-2012 thì các công trình thuộc khu đô thị ven biển Nha Trang chỉ được cao đến 40 tầng. Thế mà kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy TP Nha Trang hiện có 13 dự án cao ốc vượt qua con số này. Trong số đó có hai cao ốc, cái 46 tầng, cái 41 tầng đã hoàn thành xong gần đây, một cao ốc đang xây dựng tầng 39 và một số đã khởi công với dự kiến 47-55 tầng theo giấy chứng nhận đầu tư hoặc được đồng ý về chủ trương.

Tháng 9-2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng cho điều chỉnh đồ án quy hoạch, nâng chiều cao khống chế lên 60 tầng. Tuy nhiên, đầu tháng
12-2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Khánh Hòa tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng đồ án điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo không gian cảnh quan khu vực ven biển của vịnh Nha Trang.

Vậy tại sao Sở Xây dựng tỉnh vẫn cứ cấp phép vượt tầng trái với quyết định của người đứng đầu Chính phủ và giờ còn muốn tiếp tục đề nghị nâng tầng như thể để hợp thức hóa cho các cao ốc có dấu hiệu vi phạm? Việc chiều lòng nhà đầu tư với những cái lợi trước mắt thì đã rõ nhưng còn điều gì nữa ở đằng sau sự bất tuân thượng lệnh này khiến giám đốc sở đâm ra vượt cả lệnh của Thủ tướng?

“Trong thi hành công vụ, cán bộ, công chức phải chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định. Trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định…”. Luật Cán bộ, công chức đã yêu cầu như vậy nên nếu có lỡ tuân lời của cấp trên nào đó để cấp phép sai trái (mà không tuân theo quy trình trên) thì vị giám đốc sở và cả cấp dưới của ông ắt phải bị chế tài đúng mức.

Cái tiếc lớn nhất ở đây chính là từ sự thiếu kỷ cương, phép tắc của những cá nhân như thế mà biển Nha Trang và nhiều quy hoạch quan trọng khác ở các nơi lần lượt bị phá nát và rất khó cứu vãn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm