Quy định giờ giấc siêu thị: Không cần ‘dạy khỉ trèo cây'

Ngay lập tức, rất nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng yêu cầu này can thiệp quá mức vào thị trường.

Tết năm đó, rất nhiều siêu thị không mở cửa mấy ngày Tết. Báo chí có đưa tin nhưng UBND TP Hà Nội cũng không xử lý gì. Từ đó đến nay đã qua thêm hai cái Tết, không ai thấy ông Chung chỉ đạo thêm gì về giờ mở cửa của siêu thị.

Mới đây, Bộ Công Thương đề xuất một nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối, trong đó lại quy định giờ mở cửa của siêu thị: Phải mở ít nhất từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối, tất cả ngày trong tuần, kể cả ngày lễ.

Không chỉ có vậy, dự thảo nghị định này còn can thiệp cả vào những vấn đề mà doanh nghiệp và thị trường có thể tự quyết. Điển hình như một siêu thị muốn được công nhận là “siêu thị” thì phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2. Trung tâm thương mại muốn được gọi là “trung tâm thương mại” thì phải có diện tích kinh doanh từ 10.000 m2 trở lên…

Chưa hết, nghị định này còn dự tính chốt cứng số lần giảm giá của các siêu thị, trung tâm thương mại là ba lần/năm và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Điều này “na ná” việc Bộ VH-TT&DL trong Thông tư 11/2016 quy định về tổ chức tập luyện và thi đấu yoga. Theo đó, bộ này quy định sàn tập phải bằng phẳng, không trơn trượt. Trần nhà phải cao 2,7 m, phải có phòng vệ sinh, chỗ thay đồ, mỗi phòng tập không được quá 30 người.

Thật khó có thể tưởng tượng được rằng một bộ mà chức năng tiêu biểu của nó là thúc đẩy thị trường, đảm bảo cạnh tranh lại đưa ra những quy định phi thị trường như vậy. Tất cả nội dung Bộ Công Thương dự kiến đưa vào nghị định như nói trên ắt hẳn các siêu thị hoặc trung tâm thương mại sẽ tự biết cách giải quyết nếu muốn thu hút người tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường… Tuy nhiên, một khi chúng lại trở thành quy định bắt buộc tại văn bản quy phạm pháp luật thì coi chừng lại trở thành một dạng điều kiện kinh doanh làm phát sinh giấy phép con, giấy phép cháu và gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Mà nếu vậy thì nghị định này sẽ trái Luật Đầu tư vì kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Muốn thị trường phát triển thì chỉ có thị trường mới am tường nhu cầu của người tiêu dùng và là nhân tố điều chỉnh hữu hiệu nhất. Bất kể lúc nào Nhà nước “thò tay” vào thì tình trạng “dạy khỉ leo cây” sẽ diễn ra mà chẳng đem lại lợi ích gì cho xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm