Trách nhiệm của việc quy trách nhiệm

Dư luận đến nay vẫn chưa nguôi ngoai về vụ đứt cáp cần cẩu làm sắt rơi ra đường khiến một người chết, ba người bị thương ngày 6-11 thì lại xảy ra tiếp vụ sập giàn giáo, mém xíu nữa độp xuống bốn sinh mệnh khác rạng sáng 28-12.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lãnh đạo Bộ GTVT đều có mặt tức thời và “kịch bản” lặp lại là: Các quyết định đình chỉ nhiều đơn vị và cá nhân liên quan. Tổng thầu EPC, tư vấn giám sát Trung Quốc và nhà thầu phụ… đều bị “soi”. Theo đó, nguyên nhân chính là năng lực của tổng thầu EPC quá yếu kém, máy móc và nhân lực thiếu, biện pháp thi công không đúng; đơn vị tư vấn giám sát lơ là… Về cá nhân, lãnh đạo của các đơn vị trên hoặc bị phê bình, cảnh cáo hoặc bị đình chỉ vô thời hạn… Điểm khác là ở vụ thứ hai, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng “ra tay” nặng hơn với quyết định đình chỉ công tác điều hành và kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. (Ở vụ thứ nhất, Ban QLDA đường sắt chỉ phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra tai nạn.) Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc khác cũngdính chưởng kỷ luật.

Chuyện đáng suy nghĩ ở đây là ngay từ vụ thứ nhất, dù xảy ra chết người, sao Bộ GTVT không có ngay những biện pháp xử lý mạnh? Trách nhiệm của Bộ và các đơn vị trực thuộc (như Ban QLDA đường sắt và Cục Quản lý xây dựng chất lượng công trình) trong việc rà soát, kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp thi công ở từng hạng mục, giai đoạn thi công đã được đặt ra tới đâu… Trong khi công trình này vừa tái thi công thì đã tiếp tục gặp sự cố.

Thông tin cho hay hiện các nhà thầu đã đổ xong 391/419 trụ cầu, đúc được 451/806 phiến dầm và tới đây sẽ triển khai rộng việc lao lắp dầm nối các trụ cầu. Đây là giai đoạn phức tạp, nguy hiểm nhất trong quá trình xây dựng cầu cho tuyến đường sắt đô thị trên cao. Vì vậy trách nhiệm của Bộ GTVT, Ban QLDA đường sắt và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình trong việc rà soát, kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp thi công là cực lớn.

Việc quy địa chỉ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan của Bộ GTVT là cần thiết và kịp thời nhưng chưa đủ. Điều mà người dân đang cần hơn bao giờ hết, sau hai sự cố nghiêm trọng trên là hai từ “trách nhiệm” ấy phải được hiện thực hóa bằng chính sự đảm bảo an toàn, chất lượng xuyên suốt quá trình thi công, cũng như vận hành công trình này về sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm