Ngày 14-10, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH MTV DHA (Bắc Ninh) bị ngộ độc thực phẩm phải vào BV Đa khoa huyện Lương Tài, Bắc Ninh cấp cứu. Tuy nhiên, khi nhiều phóng viên báo chí đến tác nghiệp đưa thông tin về vụ việc nhưng bị ông Phạm Văn Phan, Giám đốc BV Đa khoa Lương Tài, có biểu hiện say rượu đã cản trở, đe doạ hành hung, xúc phạm phóng viên.
Sau khi nhận được phản ánh qua đường dây nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đình chỉ công tác ông Phạm Văn Phan để thực hiện kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo quy định.
Trước sự việc trên, chúng tôi đã liên hệ với ông Phạm Văn Phan để lắng nghe một lần nữa sự việc từ phía ông giải thích.
Các bệnh nhân đang điều trị
Ông Phan cho biết chiều 14-10, ông có trực ở BV, đến khoảng 17h30 phút thì được nhân viên báo có 12 bệnh nhân ngộ độc thức ăn đến điều trị và xin tăng cường thêm bác sĩ.
Lúc này, tại BV có bốn bác sĩ, ông Phan đã huy động thêm hai bác sĩ cùng điều dưỡng. Ít phút sau có thêm một số công nhân bị ngộ đến. Các bác sĩ đã thăm khám và truyền dịch cho các bệnh nhân.
Đến sáng hôm sau (15-10), có 135 bệnh nhân nhập viện. Thấy bệnh nhân đông, ông Phan đã kết hợp với bên công ty may chuyển 100 bệnh nhân nhẹ sang một bệnh viện gia đình (cách BV Lương Tài khoảng 5 km).
Trưa hôm đó, giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hạnh Chung và ông Chiến, Bí thư huyện ủy vào thăm bệnh nhân bị ngộ độc.
Khoảng 11h30 phút, có hai phóng viên báo chí đến lấy thông vệ vụ ngộ độc. Sau khi cung cấp tài liệu cho phóng viên xong, ông Phan cùng với lãnh đạo huyện, sáu cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đi ăn cơm.
Rất đông bệnh nhân nhập viện cùng lúc
“Bữa cơm hôm ấy tôi uống một ly rượu nhỏ xong rồi về bệnh viện”, ông Phan nói.
Theo ông Phan, sau khi ăn trưa xong ông đã về bệnh viện ngay. Lúc này có phóng viên của VTV liên hệ xuống quay, ông đã điện thoại cho phó giám đốc bệnh viện đón tiếp trước.
“Tôi có mời họ ra làm việc với chủ tịch huyện để chúng tôi kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. Lúc đó, bệnh nhân đông, áp lực công việc, trong khi đó, bốn đứa con nhà ông cậu tôi ở đó cứ nói lằng nhằng nên tôi mới mắng bảo là “đập chết bây giờ”. Xong tôi còn bảo không có anh em gì nữa. Chứ không phải tôi nói phóng viên. Tôi là bộ đội, tôi đâu có nói thế”, ông Phan trần tình.
“Lúc ở hành lang, tôi có đẩy phóng viên bảo đừng quay để chúng tôi còn khám thanh lọc các trường hợp nặng, đồng thời xem trường hợp nào cần cho vào điều trị ngay”.
Ông Phan cho biết người nhà của bốn đứa con nhà ông cậu của ông cũng bị ngộ độc nên họ vào viện để chăm sóc. Khi vào, họ có nói lằng nhằng nên ông Phan tức giận, mắng những người này.
“Khi xảy ra sự việc, tôi rất buồn và chán nản. Kể cả thời gian công tác trong quân đội, đến nay tôi đã có 36 năm làm nghề y. Thời điểm bệnh nhân ngộ độc nhập viện đông, tôi đã lo lắng và sợ nếu một người tử vong sẽ mang tiếng. Cũng do vậy, tôi đã hơi nóng tính với người nhà chứ không phải đe dọa phóng viên”, ông Phan chia sẻ.