Chiều 10-11, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự án Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt để tạo hành lang pháp lý để phát triển ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Hai vấn đề tổ chức bộ máy chính quyền và chính sách ưu đãi cho mỗi đặc khu được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến…
Đừng để chính quyền đặc khu hai mẹ, hai cha
Tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu như thế nào để nơi đây được trao quyền tự chủ lớn nhất, đồng thời cũng phải có cơ chế để giám sát quyền lực là vấn đề được nhiều ĐB cho ý kiến trong phiên thảo luận.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự luật thiết kế hai phương án tổ chức chính quyền đặc khu. Phương án 1 không tổ chức HĐND và UBND mà chỉ có trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm. Phương án 2 là có tổ chức HĐND và UBND tại đặc khu.
Ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt phải khác so với các quy định nhưng trên cơ sở không được trái với hiến pháp. Cụ thể, về cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan soạn thảo luật trình hai phương án nhưng ưu tiên phương án 1, tức không tổ chức HĐND và UBND ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
“Trong thiết kế bộ máy, trưởng đặc khu được giao rất nhiều quyền hạn, nhiệm vụ, trong đó đại diện tới bốn cấp gồm Chính phủ, các bộ, ngành và của HĐND, UBND cấp huyện, xã. Nếu chúng ta không có chế tài giám sát, kiểm soát rất dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền” - ông nói.
Đại biểu Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tại phiên thảo luận tổ chiều 10-11. Ảnh: T.PHÚ
Về nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói: “Tôi trao đổi với một số bộ thấy các bộ bị loại ra, không còn thẩm quyền giám sát, kiểm tra các đặc khu. Đồng ý đặc khu không nên chịu các đoàn kiểm tra liên tục hằng năm nhưng vẫn phải chịu chung với các vấn đề mang tính quốc gia như môi trường. Anh Hà (Bộ trưởng Trần Hồng Hà) nói tôi muốn có ý kiến gì về môi trường cũng không được” - ông Nghĩa cho hay.
Theo ĐB Nghĩa, trưởng đặc khu được giao quyền đặc biệt nhưng cũng cần ràng buộc trách nhiệm đặc biệt. Lý do là trưởng đặc khu chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và chính quyền địa phương nhưng cá nhân Thủ tướng bận trăm công ngàn việc, bộ ngành không giám sát, tất cả vào hết chính quyền địa phương. Trong khi vừa qua, một số địa phương quyết định sai về cấp phép, môi trường đã phải kỷ luật cán bộ.
Cùng ý kiến, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng bộ máy đặc khu phải tinh gọn, hiệu quả, được trao quyền tự chủ. “Phải mạnh mẽ trao quyền cho đặc khu, đừng hai mẹ hai cha, vừa địa phương vừa trung ương quản lý. Hiệu lực hiệu quả bắt nguồn từ chỉ đạo, quản lý của cấp trên. Tránh chuyện tập thể, trì trệ và chờ đợi nhau” - ông Kim nói.
Còn ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) thì đề nghị kết hợp hài hòa hai phương án. Chọn phương án 2 nhưng tăng thẩm quyền cho trưởng đặc khu kinh tế, thậm chí trưởng đặc khu có thể có quyền phủ quyết trong trường hợp có sự khác biệt với quyết định của HĐND, trường hợp cần thiết có thể báo cáo lên trung ương.
“Với các quy định như dự thảo, khi nhà đầu tư đến làm việc, có đảm bảo trưởng đặc khu có đầy đủ thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và là người duy nhất để nhà đầu tư đến làm việc hay không?” - ông Tuấn nêu.
Lo đặc khu giẫm chân nhau
Theo thiết kế của dự luật, ba đặc khu sẽ có ngành nghề ưu tiên riêng, trong đó Vân Đồn tập trung cho các ngành công nghệ cao, du lịch, hàng không, thương mại…; Bắc Vân Phong tập trung công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, cảng biển, nghỉ dưỡng, thương mại, tài chính; Phú Quốc phát triển du lịch, triển lãm, dịch vụ thương mại, mua sắm, y tế, giáo dục…
Các ĐB cho rằng cả ba đơn vị đều xác định ưu tiên đối với dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí (có casino), điều này có thể dẫn tới sự cạnh tranh, hơn nữa các nước quanh khu vực đã thành công với các mô hình này nên rất khó cạnh tranh.
ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) đặt câu hỏi: “Chúng ta phải trả lời được mũi nhọn cho từng đặc khu là gì. Từ đó đưa ra các chính sách đặc biệt để phát huy được thế mạnh của từng đặc khu, để thu hút đầu tư. Nếu không chính ba đặc khu sẽ giẫm chân nhau, nhất là cạnh tranh với những mô hình tương tự đã thành công của các nước trong khu vực” .
Cùng nội dung này, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng dự thảo luật đang đưa ra phát triển những ngành na ná giống nhau. Nêu lại bài học thất bại từ phát triển mô hình dịch vụ casino ở Đồ Sơn (Hải Phòng) trước đây, ông đặt câu hỏi: “Việc cho cả ba đặc khu phát triển casino có thực sự cần, có bị thừa hay không?”.
Ông nhấn mạnh nếu muốn có sự đột phá thì cần đột phá ngay trong tư duy. Chính sách đưa ra nếu vẫn bình bình thì không có gì khác. Và phải so sánh với quốc tế, chứ không phải chỉ so sánh “ta với ta” thì không thể vươn ra quốc tế.
“Việt Nam có ba casino cùng đầu tư, lại hưởng những chính sách ưu đãi, cạnh tranh với nhau thì không hợp lý. Nên phát triển một casino tại một đặc khu, phát triển cho xứng tầm khu vực, thế giới” - ông nói và lưu ý không nên ưu tiên phát triển trùng nhau về ngành nghề, nếu vẫn quy định “dải mành mành như dự thảo khó thành công”.
Cán bộ là khâu quyết định Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết chủ trương thành lập các đặc khu đã có từ năm 1980 nhưng đến giờ vẫn chưa làm được vì “đây là vấn đề khó, mới, không có tiền lệ, phải có những vượt trội”. “Về hình thức tổ chức chính quyền tại các đặc khu, việc giao cho các tỉnh sẽ là trách nhiệm lịch sử, không êm đềm, bằng phẳng. Do đó phải suy nghĩ rất kỹ, rất chín để làm, phải có sự đồng thuận xã hội mới làm được và cần sự nỗ lực rất lớn của các tỉnh được giao. Ta cứ làm từng bước chắc chắn, phù hợp tình hình, trong đó cán bộ là khâu quyết định. Con người chọn kỹ rồi, chọn được người tài rồi thì sẽ thực hiện được. Chọn con người thì thuộc cấp ủy của các địa phương nhưng trung ương cũng phải hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn” - ông Chính nói. |