Ngày 26-9, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm lần hai đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm, phạt bị cáo Nguyễn Hoài D. 18 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Theo tòa, phía bị hại kháng cáo, đề nghị tăng mức hình phạt vì cho rằng bị cáo phạm tội giết người và cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm là không có căn cứ .
Như Pháp Luật TP.HCM thông tin, Nguyễn Hoài D. thuê mặt bằng của bà V. ở Bình Chánh để mở tiệm cắt tóc. Hôm đó, ông Lâm Trường Thanh gọi điện thoại cho bà V. nhưng bà này không nghe máy mà đưa cho D. nghe giùm. Sau đó giữa D. và ông Thanh xảy ra cãi vã. Ông Thanh đến tiệm cắt tóc đe dọa sẽ đánh D. và đá ngã hai cái ghế trong tiệm. Sẵn cây lược bằng gỗ trên tay, D. xoạc trúng vào người ông Thanh, gây thương tật 6%. D. bị bắt tạm giam và bị TAND huyện Bình Chánh xử phạt 12 tháng tù. Phía bị hại kháng cáo về tội danh và cho rằng bỏ lọt đồng phạm.
Đến khi xử phúc thẩm, D. (bị tạm giam) chỉ còn sáu ngày nữa là đủ số ngày bị tạm giam theo án sơ thẩm, tương đương với việc chấp hành xong hình phạt. Tuy nhiên, TAND TP.HCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại do cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể, tên của kiểm sát viên tham gia phiên tòa không giống với tên của kiểm sát viên ghi trong hồ sơ, ý kiến của luật sư cũng được ghi không thống nhất.
Điều đáng nói là tòa phúc thẩm lại ra lệnh tiếp tục tạm giam bị cáo. Do bị cáo bị tạm giam đã gần 15 tháng, quá thời gian 12 tháng mà cấp sơ thẩm đã tuyên nên gia đình xin bảo lãnh cho D. được tại ngoại. Tòa Bình Chánh không chấp nhận. Ngày 3-7, TAND huyện Bình Chánh xử sơ thẩm lần hai tuyên phạt bị cáo 18 tháng tù (tăng 6 tháng).
Bị hại kháng cáo tăng hình phạt và truy tố thêm bà V. với vai trò đồng phạm. Cùng lúc, bị cáo cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng sau đó lại tự rút đơn vì sợ bị kéo dài thời gian tạm giam lần nữa.
Tính tới ngày xử phúc thẩm lần hai (hôm nay), bị cáo chỉ còn bị giam hơn 10 ngày nữa là được trả tự do. Lý giải việc tăng án có phải để “hợp thức hóa” sai sót của tòa hay không, chủ tọa phiên tòa ngày 26-9 cho biết: “Tội này có khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm, nhưng mỗi người đánh giá chứng cứ với mức nặng, nhẹ khác nhau. Chênh lệch quan điểm là do cấp sơ thẩm đánh giá, cấp phúc thẩm không thể giải thích thêm gì. Tuy nhiên, tôi thấy mức án như vậy là nặng, nếu bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ thì chúng tôi sẽ tuyên bằng với thời gian tạm giam và cho về nhà luôn”.