1 công ty có giá cổ phiếu 3.700 đồng nhưng chia cổ tức kỷ lục 120%

(PLO)- Cổ đông Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên chuẩn bị được nhận cổ tức với mức 120% trong khi giá tham chiếu cổ phiếu công ty chỉ ở mức 3.700 đồng/cổ phiếu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên (mã chứng khoán FBC) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc chi trả cổ tức năm 2022.

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của FBC qua các năm

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của FBC qua các năm

Theo đó, HĐQT công ty thông qua việc chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỉ lệ 120% (mỗi cổ phiếu được nhận 12.000 đồng). Ngày thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 20-9-2023. Giá tham chiếu trên sàn của FBC hiện nay là 3.700 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mức cổ tức mà công ty sắp trả cao gấp 3 lần mức giá tham chiếu.

Theo báo cáo tài chính, năm 2022, FBC đạt doanh thu 1.311 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 65,9 tỉ đồng, tăng lần lượt 23% và 95% so với năm 2021. FBC có truyền thống chia cổ tức khá cao, mức cổ tức tiền mặt trong 3 năm 2020-2022 vừa qua lần lượt là 50%, 65% và 120%.

Với mức cổ tức cao nhưng giá tham chiếu thấp, nhiều năm qua, cổ phiếu của công ty luôn trong tình trạng không có thanh khoản, bên nắm giữ không có nhu cầu bán ra.

Được biết, tiền thân là Công ty cơ khí Phổ Yên, FBC nằm trong top các doanh nghiệp dẫn đầu về gia công cơ khí chính xác ở Việt Nam.

Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng, động cơ xe và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ. Sản phẩm của FBC bao gồm các loại vòng bi, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, con lăn băng tải, phụ tùng cho ngành xây dựng và các sản phẩm cơ khí khác.

Công ty có vốn điều lệ khiêm tốn 37 tỉ đồng, cổ đông chi phối nắm giữ 51% là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam VEAM (mã chứng khoán VEA).

VEAM là đối tác Việt Nam tham gia góp vốn và thành lập các liên doanh Toyota Việt Nam (VEAM nắm 20%), Honda Việt Nam (VEAM nắm 30%), Ford Việt Nam (25%, thông qua công ty con là VEAM DISOCO), Mekong Auto, Kumba và VEAM Korea. Điều này tạo lợi thế cho các công ty trực thuộc VEAM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm