Vụ triệt phá đường dây ‘bảo kê’ xe quá tải

1 cựu CSGT 'bảo kê' xe quá tải từ phía Bắc đến địa bàn Đồng Nai

(PLO)- Từng làm CSGT và làm cộng tác viên Tạp chí, bị can biết được tâm lý của chủ xe tải, tài xế xe nên đã nhận tiền "bảo kê" rồi bán logo dán đầu xe để can thiệp không bị Công an xử lý. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mở rộng điều tra đường dây “bảo kê” xe quá tải tại trạm CSGT Suối Tre (thuộc Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai), VKSND tỉnh Đồng Nai đã truy tố 12 bị can về tội môi giới hối lộ và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, các bị can Lê Bảo Ngọc (33 tuổi), Hoàng Thị Việt Hà (39 tuổi), Hoàng Hiệp (50 tuổi, quê Hà Tĩnh), Hoàng Thanh Sỹ (49 tuổi) và Tạ Thị Thu Trà (44 tuổi) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhóm này có người mượn danh phóng viên, cộng tác viên của một số Tạp chí, từng làm CSGT để tiếp cận CSGT của nhiều tỉnh trong cả nước rồi hứa “bảo kê” cho các chủ xe, tài xế xe tải chạy trên các tuyến quốc lộ.

Mượn danh cộng tác viên báo chí để bán logo

Theo cáo trạng, trong quá trình mở rộng điều tra đối với Trương Công Quang trong đường dây "bảo kê" xe quá tải đi qua quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ Lê Bảo Ngọc và Hoàng Thị Việt Hà (39 tuổi).

Cáo trạng nêu rõ, đầu năm 2022 có nhiều tài xế hỏi Ngọc có quen biết ai trong lực lượng CSGT Công an Đồng Nai không để liên hệ giúp đỡ không xử phạt xe quá tải.

Vì từng là cộng tác viên, phóng viên của một số Tạp chí nên Ngọc tìm hiểu và biết được Trạm trưởng Trạm CSGT Suối Tre là Trung tá Lê Ánh Dương. Vì vậy Ngọc tự lái xe đến trạm CSGT Suối Tre để gặp Trung tá Dương. Lúc này Ngọc giới thiệu là phóng viên của một Tạp chí đặt vấn đề nhờ giúp đỡ xe tải đi ngang qua Đồng Nai không bị xử phạt. Tuy nhiên Trung tá Dương đã từ chối vì "có Tổ đặc biệt của Ban giám đốc công an tỉnh nên không thể giúp".

Tuy nhiên sau đó có một tài xế nói với Ngọc muốn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai thì gọi cho Trương Công Quang, người này có thể can thiệp vào lực lượng CSGT Suối Tre để giúp xe chở quá tải đi qua mà không bị xử phạt.

Sau đó Ngọc đã gọi cho Quang, giới thiệu là phóng viên của một Tạp chí muốn được Quang nói mấy sếp CSGT giúp đỡ. Ngọc nói những xe gắn logo “Công ty Bảo Ngọc” là xe của Công ty Ngọc. Từ đây Quang đã "bảo kê" cho nhiều xe có gắn logo “Công ty Bảo Ngọc” và nhận số tiền hơn 9 triệu đồng.

Từ manh mối này, công an đã mở rộng bắt giữ Ngọc cùng đồng phạm là Hoàng Thị Việt Hà (39 tuổi).

Theo cáo trạng nêu, Ngọc và Hà ở cùng nhau như vợ chồng và quen biết với nhiều CSGT trên các tuyến đường Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Từ đó, Ngọc nảy sinh ý định sẽ “bảo kê” cho chủ xe, lái xe tải vi phạm luật giao thông.

Thực hiện ý định, Ngọc thành lập Công ty TNHH thương mại Bảo Ngọc Transport có trụ sở ở Hà Tĩnh, ngành nghề đăng ký kinh doanh vận tải. Thực tế, công ty không hoạt động mà mục đích là thu tiền của các chủ xe, lái xe tải và hứa hẹn “bảo kê" xe vi phạm không bị CSGT xử phạt thông qua bằng cách bán logo “Công ty Bảo Ngọc" dán trên kính xe.

Sau đó, Ngọc bán logo “Công ty Bảo Ngọc” đến các lái xe, chủ xe tải lưu thông trên các tuyến quốc 1 qua địa bàn các tỉnh từ Thanh Hoá đến Đồng Nai và các tỉnh Tây Nguyên để lực lượng CSGT không xử lý hoặc nếu bị lập biên bản xử phạt thì chỉ bị phạt lỗi nhẹ.

Đổi lại, các chủ xe, tài xế mỗi tháng phải đóng 6 triệu đến 8 triệu đồng cho Ngọc. Sau khi đóng tiền xong, Ngọc và Hà sẽ hướng dẫn chủ xe dán logo công ty Bảo Ngọc vào vị trí đầu xe để làm ký hiệu cho CSGT nhận biết.

Bảo kê.jpg
CSGT trạm Suối Tre (thuộc Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) đứng chốt kiểm tra xe trên quốc lộ 1.

Ngọc còn in biển số xe đã nhận “bảo kê” đến một số trạm CSGT trên quốc lộ 1, quốc lộ 14 qua nhiều tỉnh giới thiệu là phóng viên, cộng tác viên báo chí và đưa danh sách biển số xe cho lực lượng CSGT nhờ giúp đỡ.

Do tưởng Ngọc là “nhà báo” và hứa hẹn “bảo kê” xe vi phạm nên từ tháng 11- 2021 đến tháng 11- 2022, Ngọc lấy tiền của chủ xe, tài xế ở nhiều tỉnh thành trong cả nước gần 1 tỉ đồng. Số tiền này Ngọc và Hà sử dụng hết không đưa cho CSGT.

Cựu CSGT nhận "bảo kê" xe tải từ Bắc vào Nam

Qua mở rộng điều tra, lấy lời khai từ các bị can trong vụ án, nhiều chủ xe, tài xế xe tải, cơ quan CSĐT cũng bắt giữ Hoàng Hiệp cùng đồng phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Hiệp từng công tác trong lực lượng CSGT Công an thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (từ năm 2004 đến năm 2011). Năm 2016, Hiệp làm cộng tác viên của một Tạp chí, đến giữa năm 2021 thì nghỉ làm cộng tác viên.

Theo cơ quan công an, Hiệp biết các chủ xe kinh doanh vận tải hàng hóa thường lưu thông trên các tuyến quốc lộ thường xuyên bị CSGT kiểm tra xử phạt. Vì vậy, Hiệp nói có mối quan hệ quen biết với nhiều CSGT ở nhiều ở tỉnh thành, có thể đứng ra xin giúp xe vi phạm giao thông.

Để tạo niềm tin cho các chủ xe, tài xế, Hiệp thành lập Công ty TNHH Thương mại và dịch Vụ vận tải Bảo Trâm để kinh doanh dịch vụ vận tải và mở “Trạm dừng chân, dịch vụ trung chuyển hàng hóa Công ty Bảo Trâm”. Hiệp thuê em trai là Hoàng Thanh Sỹ làm quản lý trạm dừng chân và Tạ Thị Thu Trà (vợ của Sỹ) làm kế toán trưởng công ty.

Cơ quan điều tra xác định việc thành lập công ty và trạm dừng chân nêu trên chỉ để làm “bình phong” che đậy việc Hiệp bán logo công ty Bảo Trâm, thu tiền “bảo kê” để CSGT trên các tuyến Quốc lộ 1 từ tỉnh Ninh Bình đến Đồng Nai không xử phạt xe chở hàng vi phạm hoặc sẽ bị phạt với lỗi nhẹ hơn.

Việc dán logo “Công ty Bảo Trâm”, Hiệp giải thích với các chủ xe, lái xe là để làm ký hiệu cho CSGT dễ nhận biết là xe của Hiệp đã “làm luật”.

Ngoài ra, Hiệp còn chỉ đạo vợ chồng Sỹ trực tiếp nhận tiền của các chủ xe, tài xế theo danh sách. Mỗi tháng vợ chồng Sỹ, Trà trực tiếp nhận của các chủ xe, tài xế hàng trăm triệu đồng. Tổng số tiền các bị can Hiệp, Sỹ và Trà đã chiếm đoạt của các nhà xe khoảng 900 triệu đồng.

Liên quan đến vụ án, bị can Trần Quang Tân lợi dụng lái xe riêng của Trung tá Lê Ánh Dương (nguyên Trạm trưởng CSGT Suối Tre) đã nhận tiền từ các “chân rết” Trương Công Quang, Nguyễn Đăng Khoa, Trần Thị Diệu Hoa cùng các đồng phạm lấy từ tài xế xe tải nhằm hối lộ CSGT để bỏ qua lỗi vi phạm với tổng số tiền hơn 2,7 tỉ đồng.

Tân khai đã đưa lại tiền "bảo kê" cho trung tá Lê Ánh Dương tại phòng làm việc bằng tiền mặt. Tuy nhiên, đến nay Lê Ánh Dương không thừa nhận lời khai của Trần Quang Tân và các bị can khác.

Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã tách hành vi, tiếp tục làm rõ vai trò của Trung tá Lê Ánh Dương, nếu có căn cứ sẽ xử lý sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm