Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh TP.HCM những ngày này nhộn nhịp hơn mọi ngày. Có nhiều lượt du khách đến thăm, tham quan, đọc kĩ từng lời giới thiệu trên các kỉ vật.
Chính tại Bến Nhà Rồng, ngày 5-6-1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp), lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm.
Năm 1982, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng. Ngày 30-10-1995, Khu lưu niệm được đổi tên thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”.
Một điều đặc biệt là những vị khách tại bảo tàng Hồ Chí Minh hôm nay, không chỉ là những người đang sinh sống tại TP.HCM. Trong số họ có người lặn lội từ nhiều nơi xa đến, là An Giang, Nghệ An… tìm về.
Chuyến tàu huyền thoại mang theo vận mệnh dân tộc
Tại phòng chuyên đề “Hồ Chí Minh – Cuộc hành trình của thời đại”, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh (ngụ phường 10, quận 10) cùng con trai chăm chú nghe hướng dẫn viên giới thiệu về cuộc đời Bác.
Cách đây vài hôm khi dự Lễ hội sông nước, chị Quỳnh cùng gia đình đã được xem đại nhạc kịch Chuyến tàu huyền thoại. Xúc động trước câu chuyện chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành bắt đầu chuyến đi mang theo vận mệnh dân tộc, chị Quỳnh đã dẫn con trai đến đây để lần nữa được lắng nghe về cuộc đời Bác.
“Đến đây tôi như được hệ thống lại thông tin tại vở kịch. Dù có dịp đi ngang qua rất nhiều lần nhưng đây là đầu tiên tôi vào tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, được nghe hướng dẫn viên chia sẻ, trực tiếp nhìn thấy các tư liệu, hình ảnh về Bác. Đây thật sự là một ngày mở mang kiến thức cho cả hai mẹ con”- chị Quỳnh mở lời.
Đi cùng đoàn với mẹ con chị Quỳnh là phụ huynh và các thiếu nhi tham gia sinh hoạt hè tại quận 10. Đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những trải nghiệm đặc biệt để thiếu nhi tìm hiểu về cuộc đời Bác Hồ.
“Mặc dù trời oi bức nhưng các bạn nhỏ rất háo hức, các phụ huynh cũng rất vui khi có cơ hội cùng con trải nghiệm những điều mới, được tìm hiểu thêm về lịch sử về thêm yêu thành phố mang tên Bác”- chị Quỳnh hào hứng.
Dịp kỉ niệm 113 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, anh Trần Phạm Ngọc Lợi cùng với các đoàn viên phường Phú Trung (quận Tân Phú) đến Bảo tàng Hồ Chí Minh để xem thêm nhiều kỉ vật của Bác. Từng kỉ vật được trưng bày tại đây giúp anh Lợi có cái nhìn trực quan, sinh động hơn về con đường cứu nước của Người.
“Lần đầu mình đến là năm năm trước, hôm nay quay lại thì đã nhìn thấy nhiều sự thay đổi hơn. Các tư liệu, hình ảnh về Bác đã được làm mới. Đây là dịp đặc biệt để các thanh thiếu niên hiểu hơn về con đường Bác đã đi qua”- anh Lợi chia sẻ.
Còn với bạn Nguyễn Minh Phát (sinh viên Đại học KHXH&NV TP.HCM), chuyến đi tìm về ‘địa chỉ đỏ’ là một chuyến tham quan quý báu để hiểu thêm về con người Bác Hồ.
“Khi đọc được bản Tuyên ngôn Độc lập, những tờ báo Bác viết, được tận mắt nhìn thấy các hiện vật về Bác… tôi rất xúc động. Bác Hồ là tấm gương để các sinh viên, thanh niên trẻ như tôi noi để học tập, lao động, sản xuất”- Phát chia sẻ.
Từ Nghệ An, An Giang đến thăm Bến Nhà Rồng…
Những ngày này, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn đón rất nhiều vị khách đặc biệt đến tham quan. Đó là bà Bùi Thị Nhiền (66 tuổi), lặn lội đi từ Nghệ An lên để sờ tận tay, nhìn thấy tận mắt những kỷ vật được lưu giữ tại đây.
“Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên tôi đến tham quan khi đến TP.HCM. Nay được thắp cho Bác nén hương, nhìn thấy những kỷ vật được lưu giữ, tôi như được thấy chặng đường Bác đã đi qua. Nhờ có Bác mà dân tộc, đất nước ta mới được như ngày nay, quý báu không gì kể xiết”- bà Nhiền không khỏi xúc động.
Với bà Nhiền, chuyến đi tìm về Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là trải nghiệm vô giá bởi đây còn là nơi chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước.
“Tôi được đi nhiều nơi cũng lưu giữ kỷ vật của Bác nhưng Bến Nhà Rồng lại đặc biệt hơn cả. Đây là nơi bắt đầu để thay đổi vận mệnh dân tộc ta”- bà Nhiền xúc động.
Dịp này, bà Tạ Thị Cẩm Văn (61 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) đã cùng em gái đến thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt hơn 10 năm qua, năm nào bà Văn cũng đi hàng trăm cây số đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh.
“Ba tôi là một cựu chiến binh, từ ngày đất nước hoà bình ông ấy cũng đến đây để thắp cho Bác nén hương. Nay ông ấy không còn, tôi thay ông làm việc này. Sự kính trọng với Bác trong tôi không chỉ vì ba tôi mà còn vì biết ơn sự hy sinh của của Bác”- bà Văn chia sẻ.
Là một cựu chiến binh, ông Nguyễn Quốc Huy (ngụ quận 10, TP.HCM) nói, không gì hay hơn bằng việc giáo dục cho thế hệ thiếu nhi, thanh thiếu niên về những giá trị lịch sử mà cha ông ta để lại, qua những hình ảnh trực quan, sinh động. Ông Huy đưa cháu nội 7 tuổi đến bảo tàng để tham quan vào dịp hè, cũng là cách ông giáo dục cháu về truyền thống yêu nước, mong muốn thế hệ con cháu của mình hiểu thêm về sự kiên trung, lòng yêu nước từ Người.
Viên gạch sưởi- mối liên kết lịch sử
Không khí càng về trưa càng rộn ràng hơn, khi nhiều đoàn khách là các em thiếu nhi đến tham quan, xem kỉ vật, tư liệu được trưng bày tại đây.
Anh Phan Văn Minh, Phó trưởng phòng tuyên truyền giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM liên tục dẫn các đoàn vào tham quan, giới thiệu để du khách hiểu hết giá trị của từng kỉ vật được trưng bày tại bảo tàng.
“Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM hay được nhắc đến với tên gọi là Bến Nhà Rồng. Nơi đây gắn với một trong những sự kiện lịch sử của dân tộc, không chỉ gắn với cuộc đời của Bác Hồ mà còn đối với cả dân tộc Việt Nam.
Chính tại nơi đây, ngày 5-6-1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) và lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm. Năm 1982, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng. Ngày 30-10-1995, Khu lưu niệm được đổi tên thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”.
Từ nơi đây- Bến Nhà Rồng, Bác đã ra đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Sự kiện này không chỉ là Bác đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, mà còn mở ra một tiến trình mới cho nước Việt Nam ta, từng bước hội nhập vào dòng chảy của thế giới, theo xu thế chung của thế giới dưới sự dẫn dắt của Bác”- anh Phan Văn Minh mở đầu lời giới thiệu với du khách, tay chỉ về hướng cảng năm xưa Bác lên tàu ra đi.
Anh Minh cho biết, kể từ khi được xây dựng đến nay, bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền đến đông đảo tầng lớp nhân dân, du khách tham quan về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, cả về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để lan tỏa những giá trị của di sản Hồ Chí Minh.
Hiện nay, các kỉ vật, hiện vật tại bảo tàng được trưng bày theo bốn chuyên đề chính, xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.
Đặc biệt, có hai chuyên đề mới được bảo tàng chú trọng triển khai là “Bác Hồ với miền Nam- miền Nam với bác Hồ”, nói lên tình cảm của đồng bào miền Nam dành cho Bác. Chuyên đề thứ hai là “Đền thờ Bác Hồ ở Nam bộ”.
“Sau khi Bác Hồ từ trần, đồng bào ở miền Nam, đặc biệt là vùng Tây Nam Bộ tiếc thương Bác. Họ đã lập đền thờ để hướng về Bác, như mong muốn có Bác bên cạnh tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, mang lại độc lập dân tộc”- anh Phan Văn Minh kể lại.
Hiện nay, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM trưng bày hàng trăm hiện vật, kỉ vật cho khách tham quan. Nhưng theo anh Minh, kỉ vật mà anh cảm thấy đặc biệt nhất, mang lại cho anh nhiều cảm xúc nhất là viên gạch sưởi - loại gạch mà Bác Hồ từng dùng sưởi ấm ở Paris, Pháp.
“Khách tham quan đến đây đều muốn được xem viên gạch sưởi, loại gạch mà Bác từng dùng để sưởi ấm, chống lại mùa đông giá lạnh ở Paris, nước Pháp và họ rất xúc động”- anh Minh kể lại.
Theo lời kể của anh Minh, viên gạch này được Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM gửi tặng bảo tàng vì lòng kính trọng đối với Người. Vào năm 1982, ông có dịp ghé đến bảo tàng tham quan. Sau khi hết nhiệm kỳ của mình, ông quay về Pháp và kể câu chuyện về Bác cho người bà của mình nghe.
Với lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu sắc, người bà đã tìm lại trong căn nhà cũ của mình ở Paris những viên gạch ở cùng thời điểm mà Bác Hồ từng sinh sống. Chính vị Tổng lãnh sự quán đó mang viên gạch đến tặng cho bảo tàng để trưng bày.
Thành phố mang tên Bác, là địa phương có nhiều giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước tiên là kể tới Bến Nhà Rồng, di sản văn hóa vật thể in dấu chân của Bác khi ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng lớn lao là giành độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Chính quyền TP.HCM nhận định, Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những di sản văn hóa quý giá của TP, là một địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn của nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền Tổ quốc và các du khách quốc tế.
Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc sắc này, thời gian qua, Bảo tàng luôn duy trì việc nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp nhân dân.
Đây là điểm đến ký ức trong hành trình di sản dân tộc, là nơi trở về để tưởng nhớ, báo công với Bác của nhân dân, cán bộ và đảng viên, tạo thành nét đặc sắc trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Để duy trì, kế tục những giá trị tinh thần mà Người để lại, với mong muốn đưa các kỉ vật, hiện vật, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người đến với nhiều thế hệ và du khách, bảo tàng đã luôn tìm cách đổi mới trong việc trưng bày, kết hợp với nhiều hình thức thể hiện khác nhau.
Ngoài ra, bảo tàng cũng phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, các trường học trên khắp TP.HCM và cả các địa phương khác để trình bày những chuyên đề phù hợp với từng đối tượng, như là chuyên đề Bác Hồ với thiếu nhi, với thanh niên, thế hệ trẻ… Bằng cách làm này, các nhân viên của bảo tàng đã mang những câu chuyện gần gũi về Bác đến với người dân, kể cả những người dân ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện đến với bảo tàng.
Ngày nay, để người dân có những trải nghiệm trực quan, sinh động hơn, bảo tàng đã ứng dụng kĩ thuật số, số hóa các kỉ vật, thông tin tại bảo tàng để làm bản 3D cập nhật lên website.
“Đây là dự án trọng điểm đưa bảo tàng tiếp cận đến với mọi tầng lớp nhân dân trong thời đại 4.0. Chúng tôi mong muốn không chỉ khách đến tham quan mà du khách dù ở đâu cũng có thể tìm hiểu thông qua các thiết bị thông minh”- anh Minh cho biết.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành một phẩm chất văn hóa của công dân TP.HCM
Trong báo cáo về công tác nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh của Ban cán sự Đảng TP.HCM trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo thời kỳ đổi mới trên địa bàn, chính quyền TP.HCM cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI xác định, một trong những nhiệm vụ của TP giai đoạn 2020 - 2025 là phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng hình thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.
TP.HCM cũng xác định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và có tính nhân văn sâu sắc, phát huy những phẩm chất đặc trưng của người dân Thành phố (sự năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình), làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Với quyết tâm phát triển xứng đáng với niềm vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước được mang tên Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ TP.HCM xác định cần để tên gọi cao quý ấy trở thành động lực phát triển, thuộc tính văn hóa của TP; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần thấm vào từng người dân, trở thành một phẩm chất văn hóa của công dân TP. Chính vì thế, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra. THANH THÙY