Dự án làm đường có tổng chiều dài 8 km nhưng hơn 15 năm qua chỉ xây dựng được gần 5 km. Đó là dự án đê bao kết hợp đường giao thông tuyến ngã tư Đông Sơn - Bưng Cây Sắn đi qua địa bàn ba xã Đông Phước, Phú Hữu và Phú Tân của huyện Châu Thành, Hậu Giang. Một số đoạn chưa làm thì mặt đường gập ghềnh, chi chít ổ voi, ổ gà khiến việc đi lại của người dân vô cùng vất vả.
Tuyến đê bao kết hợp đường giao thông ngã tư Đông Sơn - Bưng Cây Sắn bắt đầu thi công từ năm 2002, do UBND huyện Châu Thành làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 17 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh. Công trình giao thông tuyến ngã tư Đông Sơn - Bưng Cây Sắn có quy mô dài 8 km, bảy cây cầu và 11 cống; mặt đường nhựa rộng 3,5 m và lề mỗi bên 1,25 m, dự kiến đến năm 2006 sẽ đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, người dân không biết vì lý do gì mà công trình triển khai khá ì ạch, sau đó thì trì trệ hẳn. Trước tình hình này, năm 2010, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo kết thúc dự án và quyết toán hơn 10 tỉ đồng cho giai đoạn 1. Trong giai đoạn này, đơn vị thi công thực hiện được gần 5 km đường, 11 cống và sáu cây cầu.
Học sinh qua cầu số 3 phải leo như thế này vì móng cầu chưa xây. Ảnh: TÍN HUY
Đến nay sáu cây cầu sắt, trụ bê tông đưa vào sử dụng thì đã xuống cấp, những vỉ sắt trên mặt cầu gỉ sét, có chỗ bị thủng rất nguy hiểm. Còn phần đường trải nhựa hiện cũng đã bong tróc, gập ghềnh, gây mất an toàn trong quá trình lưu thông. Đáng chú ý cây cầu số 3 ở ấp Phú Trí B và ấp Phú Trí B1 bắc sang con kênh Nhỏ Dài chưa xây hai móng cầu. Người dân muốn đi lại phải làm thang bắc lên mặt cầu để trèo lên, còn phương tiện giao thông thì phải chạy vòng theo con kênh Nhỏ Dài khoảng 1 km để qua bờ kênh bên kia.
Lý giải vì sao dự án đình trệ, ông Huỳnh Mỹ Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Châu Thành, cho biết: “Khó khăn là còn sáu hộ dân sống hai bên cầu số 3 không cho xây dựng vì họ bắt phải bồi thường. Nếu bồi thường thì thiệt thòi cho những hộ dân lúc đầu tự nguyện hiến đất. Họ sẽ khiếu nại”. Cũng theo ông Tính, trong quá trình giải phóng mặt bằng, phía UBND huyện Châu Thành có họp dân và nhất trí “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ các hộ dân có phần diện tích đất bị ảnh hưởng mà dự án đi qua chiếm từ 70% diện tích đất trở lên, các hộ có phần diện tích đất bị ảnh hưởng dưới 70% sẽ không được hỗ trợ mà chỉ hỗ trợ hoa màu. “Hiện một số đoạn chưa trải là do người dân khiếu nại bồi thường nên không thể tiếp tục xây dựng” - ông Tính nói.
Về vấn đề móng cầu số 3, mới đây, ngày 9-5, chính quyền địa phương đã họp dân tiếp tục vận động sáu hộ dân hai bên đầu cầu hiến đất và được bà con thống nhất 100%. Còn sáu cây cầu xây xong đã xuống cấp, ông Tính cho biết sẽ rà soát lại toàn bộ, chỗ nào xuống cấp sẽ sửa chữa ngay trong năm nay.
Cũng theo ông Tính, ban quản lý đã lập kế hoạch trình UBND huyện đề xuất tiếp tục thi công con đường này như kế hoạch ban đầu, dự kiến kinh phí thực hiện cho đoạn dang dở khoảng 6 tỉ đồng. “Hiện nay chưa huy động được nguồn vốn nên trước mắt là sửa tạm thời cho bà con đi lại. Huyện sẽ cố gắng để hoàn chỉnh tuyến đường này” - ông Tính khẳng định. |