2 năm chưa mua được thiết bị mới nào, Bệnh viện K xin thôi tự chủ toàn diện

(PLO)- Theo lãnh đạo Bệnh viện K, trong 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện BV chưa đầu tư được trang thiết bị mới nào , bệnh nhân ung thư phải chi trả chi phí nhiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nguồn thu sụt giảm mạnh

Mới đây, trả lời báo chí, đại diện BV K cho biết đơn vị cũng gặp phải những khó khăn như BV Bạch Mai. Thời gian tới, nếu BV Bạch Mai được cho phép tự chủ theo Nghị định 60 và ở nhóm 2 thì BV K cũng xin được áp dụng tương tự.

GS.TS Lê Văn Quảng – Giám đốc BV K, cho biết tự chủ toàn diện có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động, giảm áp lực chi cho ngân sách nhưng mỗi ngành nghề có đặc thù riêng. Tuy nhiên, trong ngành y, thực hiện tự chủ toàn diện đối với các bệnh viện công tại thời điểm này chưa phù hợp.

BV K đang gặp phải những khó khăn khi thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện.

BV K đang gặp phải những khó khăn khi thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện.

GS Quảng phân tích, BV Bạch Mai và BV K đều là BV lớn, đầu ngành của cả nước, số lượng bệnh nhân đông. Việc chọn BV đầu ngành để thí điểm sẽ khó đánh giá hiệu quả bởi dù tự chủ hay không thì vẫn có lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị ít có sự thay đổi.

“Khi bắt đầu thí điểm cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát, BV bị phong tỏa, số lượng người bệnh đến khám giảm mạnh, nguồn thu sụt giảm 35-40%, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng, trong khi không có dịch COVID-19, một năm BV tích luỹ được khoảng 100 tỷ.

Ngày 19-5-2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 BV tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Hữu nghị Việt Đức và BV K. Thời gian thực hiện thí điểm là 2 năm.

Đến nay chỉ có 2 BV đã thực hiện thí điểm là BV K và BV Bạch Mai. Hai BV còn lại xin không thực hiện theo nghị quyết 33 do chưa đủ điều kiện mà theo tự chủ chi thường xuyên nhóm 2.

Trong hai năm qua, BV K chưa đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị mới. Việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong khám chữa bệnh. Theo tiêu chuẩn, một máy xạ trị chạy cho khoảng 50-70 người bệnh/ ngày thì với số lượng người bệnh đang điều trị BV K phải cần thêm 6-7 máy nữa. Thiếu máy, bệnh nhân phải kéo dài thời gian xạ trị từ 5h sáng đến 22h đêm.

Chưa kể, nếu tự chủ hoàn toàn thì riêng tiền thuế đất của cả 3 cơ sở, BV sẽ phải đóng hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đây thực sự là một bài toán khó đối với bệnh viện” - ông Quảng nói.

GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K.

GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K.

Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý

Theo đại diện BV K, đơn vị gặp các khó khăn tương tự BV Bạch Mai, đó là giá dịch vụ y tế, một số quyền tự chủ chưa rõ ràng, gọi là tự chủ nhưng chưa thấy có thay đổi nhiều.

Hiện giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Giá dịch vụ y tế thanh toán BHYT thì theo quy định chung, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng khung giá cũng chưa được ban hành nên việc BV tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn.

Là đơn vị tuyến cuối về chuyên khoa ung thư, BV K cũng phải thực hiện chức năng đào tạo, chỉ đạo tuyến. Nếu tự chủ toàn diện thì kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Về mặt tổ chức, khi tự chủ, mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng quản lý, Ban Giám đốc cũng còn nhiều bất cập, như hoạt động quản lý chồng chéo, vai trò chưa được phân định cụ thể…

GS. TS Lê Văn Quảng cho biết: “Đến tháng 9-2022, BV K đủ 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Vừa qua, BV đã họp và phân tích những ưu, nhược điểm, khó khăn, thách thức của việc tự chủ toàn diện. Hiện BV đã có văn bản báo cáo về quá trình 2 năm thực hiện tự chủ gửi Bộ Y tế xin chuyển sang hình thức tự chủ nhóm 2 theo Nghị định 60 như ý kiến của BV Bạch Mai”.

Tại Hội nghị mới đây của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các BV công. Hiện chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các BV không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế.

Thứ hai là đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.

Theo Nghị quyết 33, BV K và BV Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ. Đây là 2 BV xương sống của BV công, của ngành y tế, nếu để các bác sĩ sang hệ thống tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế.

Vì vậy, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân. Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại.

Nghị quyết 33 ban hành năm 2019, về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn BV được quyết định quy mô BV khi đáp ứng đủ các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật, nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất; được quyết định chỉ tiêu và kế hoạch hoạt động của BV; được quyết định việc lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn; được quyết định hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học… Về tổ chức và nhân sự, thành lập Hội đồng quản lý có từ 7 đến 11 người, trong đó có 1 đại diện của Bộ Y tế.

Nghị định 60 ban hành năm 2021 quy định về tự chủ tài chính, bao gồm: Danh mục và giá, phí dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước; quy định các nguồn tài chính của đơn vị; phân loại chi tiết hơn mức độ tự chủ tài chính; cách thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm