20 cuộc họp rồi... chờ?

“Tôi tính không nhầm, từ lúc xảy ra sự cố đến bây giờ tôi đã đi dự trên 20 cuộc họp. Nhưng họ cũng chỉ hứa sẽ trình bày với cấp trên, cho đến giờ vẫn bặt vô âm tín”. Lời than vãn cay đắng này của ngư dân Lê Văn Hải (Bình Định) thể hiện rằng những cuộc họp giải quyết những bức xúc của ngư dân có tàu vỏ thép bị hỏng không mang lại kết quả như mong đợi.

Cần phải nhắc lại rằng: Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có việc đóng tàu vỏ thép cho ngư dân là một văn bản mang nhiều ý nghĩa không chỉ về kinh tế biển. Chỉ sau ba năm có hiệu lực, hơn 1.500 con tàu đã được đóng mới và số tiền cho chương trình này đã được giải ngân tới hơn 9.000 tỉ đồng.

Có lẽ niềm vui của những ngư dân khi được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép “chẳng tày gang” khi chất lượng những con tàu này đã không tương đương với sự bền bỉ của ngư dân trước những nguy cơ từ biển Đông, ngư trường truyền thống của Việt Nam. Hàng loạt sự cố về máy móc hư hỏng, vỏ thép bị rỉ sét khiến nhiều con tàu phải nằm bờ.

Đáng tiếc, cho đến nay vẫn chưa có một cách xử lý rốt ráo nào cho thấy quyền lợi của ngư dân sẽ được đảm bảo tối đa và những kẻ đóng tàu gian dối sẽ bị xử lý nghiêm minh. Sự giằng co không biết đến từ đâu nhưng rõ ràng sự chậm trễ giải quyết vấn đề liên quan tới tàu vỏ thép kém chất lượng đang để lại những hậu quả khôn lường.

Ngư dân không ra khơi thường xuyên như cũ, kinh tế của họ bị ảnh hưởng đã đành nhưng những “cột mốc chủ quyền sống” cũng bớt đi sự hiện diện trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Vậy mà, theo lời ngư dân Lê Văn Hải, 20 cuộc họp đã qua và kết quả vẫn chỉ là những lời hứa hẹn bặt vô âm tín.

Niềm tin vào một chủ trương đúng đắn đối với ngư dân và kinh tế biển sẽ bị phương hại nghiêm trọng bởi những sự lừng khừng của các bên có trách nhiệm. Khi niềm tin mất đi thì cũng có nghĩa là Nghị định 67 dù có được sửa đổi cũng khó đi vào cuộc sống. Không thể để những cuộc họp vô bổ, không mang lại kết quả nào ảnh hưởng tới ngư dân và kinh tế biển nói chung được nữa.

Sự cố tàu vỏ thép bị hư hỏng ngay sau khi đóng không lâu đã làm tổn thương đến một chủ trương lớn. Nhưng đáng tiếc hơn, 20 cuộc họp vẫn không thể nào thay thế cho ngư dân những vỏ tàu bị tráo đổi thép Hàn Quốc thành thép Trung Quốc. Vỏ tàu rỉ sét chưa được thay hay 20 cuộc họp ấy cũng bị rỉ sét vì bài học nếu được rút ra sẽ mặn chát hơn nước biển?

Nỗi day dứt này có lẽ không chỉ dành cho 20 cuộc họp mà ngư dân Lê Văn Hải đã phải thốt lên. Nó hoàn toàn có thể là câu hỏi rất nhiều cuộc “họp mà không hành” mỗi ngày trên khắp mọi miền đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Áp lực cực cao là cơ hội cho những người xuất sắc

Áp lực cực cao là cơ hội cho những người xuất sắc

(PLO)- Mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số trong các năm tiếp theo mà Trung ương đã xác định là rất thách thức, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và một cuộc cải cách sâu rộng về thể chế, chính sách; đột phá về cấu trúc kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đầu tư...

Phẫu thuật để lành mạnh hóa ngành đăng kiểm

Phẫu thuật để lành mạnh hóa ngành đăng kiểm

(PLO)- Việc xử lý các hành vi vi phạm trong đại án này được xem là cơ hội củng cố niềm tin cho nhân dân đối với hoạt động kiểm định; là cơ hội làm trong sạch ngành đăng kiểm...

Gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế xanh

Gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế xanh

(PLO)- Biến đổi khí hậu ngày càng gây hậu quả nghiêm trọng cho con người. Các nhà khoa học và xây dựng chính sách hiểu rằng nền kinh tế hiện nay cần cải thiện, cần tính đến các yếu tố về môi trường và từ đó đã hình thành hệ tư tưởng về kinh tế xanh…

TikToker Lê Tuấn Khang và câu tự hỏi của giới truyền thông

TikToker Lê Tuấn Khang và câu tự hỏi của giới truyền thông

(PLO)- Ngày 3-12 thì video mới nhất của Lê Tuấn Khang đã có gần 340 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày xuất hiện, trang TikTok của Khang đã có hơn 11 triệu người theo dõi. Liên tục lập các kỷ lục và tự mình phá những kỷ lục ấy, Khang dĩ nhiên trở thành một hiện tượng.