Cho đến thời điểm hiện tại, các chương trình hài từng có mặt trên sóng truyền hình năm vừa qua vẫn lên kế hoạch tiếp tục sản xuất và trong năm nay rất nhiều chương trình hài mới sẽ ra lò.
Nhà sản xuất cuống cuồng đổi mới
Điểm qua các nhà sản xuất chương trình cho các đài truyền hình có lượng khán giả lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP.HCM và Đài Truyền hình Vĩnh Long thì hầu như nhà sản xuất nào cũng có chương trình hài. Jet Studio vẫn sản xuất bốn chương trình hài: Danh hài đất Việt, Diêm Vương xử án, Cười để ngẫmvà Gặp nhau để cười; Đông Tây Promotion với các chương trình: Hội ngộ danh hài, Ơn giời, cậu đây rồi!, Người bí ẩn; Điền Quân M&E với Thách thức danh hài mùa ba; BHD tiếp tục với Chết cười, Cười là thua; Khang Media tiếp tục Cười xuyên Việt phiên bản người nổi tiếng và phiên bản người thường, Vietcom Film vẫn sản xuất Xả Xì Trét, Thử thách người nổi tiếng, Kính đa tròng… Cùng đó, ít nhất ba phiên bản chương trình hài mới đã lên lịch sản xuất và phát sóng: Đấu trường tiếu lâm của nhà sản xuất Điền Quân M&E sẽ lên sóng vào 5-3-2016 trên THVL1; Nghiêng ngả cười với định dạng gốc là Make us laughing nhà sản xuất Cát Tiên Sa sẽ lên sóng vào tháng 6-2016 trên kênh VTV3 và Audition (chưa có tên tiếng Việt) của nhà sản xuất Vietcom Film. Ngoài ra Khang Media còn có chương trình Quyền năng ảo là sàn đấu của các nhóm hài, ca hát và nhiều loại hình nghệ thuật khác xuất thân từ mạng xã hội trên kênh THVL1.
Trong đó, Công ty Cát Tiên Sa - một đơn vị sản xuất truyền hình thực tế về ca hát, tài năng nhảy múa, dù đã mua định dạng Make us laughing (Nghiêng ngả cười) từ Time Symphony (Anh) từ nhiều năm trước nhưng sau nhiều cân đo đong đếm thì mới quyết tâm sản xuất. “Hài vẫn tồn tại, phát triển và chưa đến nỗi thoái trào. Quan trọng nhất là nội dung từng chương trình hài, các diễn viên, ban giám khảo tham gia… nhà sản xuất phải biết cân đối để đảm bảo chương trình thành công” - ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa, chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Jet Studio, cũng khẳng định: “Hài vẫn thu hút khán giả nhưng phía nhà sản xuất phải tự áp lực với từng chương trình của mình, qua mỗi một năm phải có những cải tiến để tránh gây nhàm chán. Như Diêm Vương xử án của chúng tôi năm nay sẽ rút gọn lại còn bảy tập (phát sóng từ 28-1-2016 trên THVL1) và đổi chủ đề theo mùa, như lần này chương trình sẽ mang chủ đề tết cho phù hợp ngày tết. Còn với những chương trình dài hạn như Cười để ngẫm, Gặp nhau để cười (VTV9) chúng tôi phải chọn lựa những kịch bản hoàn toàn mới”.
Chị Lê Thị Dần từ Thách thức danh hài không đơn thuần là tài năng hài mà là người truyền được cảm hứng sống cho người xem. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Nở rộ tìm kiếm tài năng hài
Hay như lời ông Đỗ Văn Bửu Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Điền Quân M&E, thì: “Hài vẫn còn ăn khách nhiều năm nữa vì bản chất người Việt thích hài hước. Lâu nay hài đã có nhưng gần đây bùng phát hơn thôi. Và trong thị trường sản xuất chương trình, sản phẩm nào ăn khách thì nhà nhà cùng làm, na ná giống nhau… Khán giả sẽ là người sáng suốt nhất để chọn dành thời gian cho chương trình nào”.
Là đơn vị sản xuất Kính đa tròng - chương trình hài lâu năm nhất trên sóng truyền hình cho đến thời điểm hiện tại (hơn 10 năm), bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc Vietcom Film, cho biết: “Với đà phát triển như vậy hài vẫn tiếp tục nở rộ với điều kiện các nhà sản xuất phải tìm các cách mới nếu không hài sẽ rơi vào con đường nhàm chán”.
Có lẽ từ những “trói buộc” phải làm mới mình, các nhà sản xuất đã tìm đến những định dạng chương trình hài mới mẻ hơn. Nổi bật nhất là xu hướng sản xuất những chương trình tìm kiếm tài năng hài. Cụ thể như chương trình Audition của Vietcom Film là dạng tìm kiếm tài năng hài kết hợp các yếu tố khác. “Lâu nay hài chú trọng theo thoại nhưng thật ra hài có rất nhiều thể loại, với Audition thí sinh có thể làm bất cứ điều gì khiến người ta cười. Và những tài năng từ chương trình sẽ được rèn giũa với các huấn luyện viên để càng vào sâu chương trình họ càng sắc bén chứ không phải càng diễn hài càng đuối” - bà Bảo Trâm nói thêm.
Cũng là một định dạng tìm kiếm tài năng hài, sau hai ngày sơ tuyển vào 16 và 17-12 vừa qua tại TP.HCM, Đấu trường tiếu lâm đã thu hút hơn 5.000 thí sinh đăng ký sơ tuyển. Chương trình tiếp tục sơ tuyển vào ngày 23 đến 25-12 sắp tới, để từ hàng ngàn thí sinh ban tổ chức chọn ra 48 thí sinh cho bốn đội huấn luyện viên: Trấn Thành, Trường Giang, Đức Thịnh và Thu Trang - Tiến Luật.
Ước vọng của những người làm chương trình tìm kiếm tài năng hài Đấu trường tiếu lâm là để tìm kiếm một thế hệ diễn viên hài mới, tài năng và tạo được giá trị cho cộng đồng. “Hài không còn là thời của cười xàm xàm, vô bổ. Hài không phải là cuộc đua thị trường để giành giật khán giả. Ngoài Thách thức danh hài và Đấu trường tiếu lâm chúng tôi không làm chương trình hài nào nữa. Bởi chúng tôi mong muốn xa hơn những tài năng chúng tôi tôn vinh phải thật sự tạo cảm hứng cho cộng đồng chứ không chỉ cười chơi trong chương trình. Dù chương trình giải trí thuần túy đi nữa nhưng không tạo giá trị cộng đồng thì tính bền vững chương trình sẽ không cao” - ông Bửu Điền khẳng định.
Cảm hứng sống từ những cuộc đời hài hước Ước vọng của các nhà tìm kiếm tài năng hài tìm ra những người tài năng, yêu thích hài, diễn hài sạch… không quá khó khăn với một đất nước mê hài như Việt Nam. Bởi chỉ riêng với Thách thức danh hài, khán giả từng chứng kiến cô giáo Hồ Thúy An (Vĩnh Long), chị thợ cắt tóc Lê Thị Dần bán heo thi hài (Thanh Hóa)… diễn hài tài tình, duyên dáng và vô vị lợi như thế nào. Họ không phải là những ngôi sao giải trí nhưng lại là người tạo cảm hứng cho những người xung quanh họ với cuộc đời giản dị, tràn ngập tiếng cười. |