Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, đến năm 2025, đô thị thông minh (ĐTTM) TP.HCM sẽ hoàn thiện những nội dung ban đầu theo đúng tiến độ đặt ra.
Xử lý các sự cố nhanh hơn, tiết kiệm hơn
Ông Lê Quốc Cường nhìn nhận qua hai năm thực hiện, diện mạo ĐTTM đã thành hình và ngày càng rõ nét. Cụ thể:
Kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn một) đã đi vào hoạt động trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành như cơ sở dữ liệu (CSDL) văn bản điện tử, một cửa điện tử phục vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng đó là đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, cơ sở khám, chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục,…
Cổng dữ liệu của TP https://data.hochiminhcity.gov.vn là nơi khai thác tập trung kho dữ liệu dùng chung, phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước.
Tháng 4-2019, TP.HCM đã khai trương Trung tâm điều hành ĐTTM (giai đoạn một) tại UBND TP với hơn 1.000 camera được kết nối, tích hợp dữ liệu về trung tâm. Trong đó, có thể phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera nhằm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự.
Cạnh đó, cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp (cổng 1022) đã được nâng cấp mở rộng, gồm sáu kênh tiếp nhận phản ánh: gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email, website, Facebook và ứng dụng (app) trên điện thoại. Đặc biệt, cổng 1022 đã mở rộng cho 24 quận/huyện, đáp ứng nhu cầu đông đảo của người dân. Đến nay cổng này tiếp nhận đến 4.000 phản ánh mỗi tháng với 1.400 cơ quan, đơn vị liên quan tham gia xử lý trên hệ thống.
Tháng 8-2019, UBND TP có quyết định thành lập trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội. Đến nay, phần nội dung này đã hoàn thành tập tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học dự báo, từ đó đã ứng dụng các mô hình dự báo chuỗi thời gian để dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho năm 2019-2020.
UBND TP cũng đã phê duyệt đề án thành lập Công ty cổ phần Vận hành Trung tâm an toàn thông tin TP với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của quá trình xây dựng ĐTTM, ông Lê Quốc Cường nhìn nhận việc chia sẻ dữ liệu thông qua kết nối camera từ nhiều lĩnh vực khác nhau về trung tâm điều hành đã giúp giảm được chi phí đầu tư, vận hành. Cổng thông tin 1022 đã giúp lãnh đạo tăng cường sự tương tác với người dân, giúp phản ứng, khắc phục nhanh với các tình huống, sự cố mà người dân đang đối diện, giảm thiểu được rất nhiều thiệt hại cho người dân và xã hội.
Đồng thời, việc tổng hợp thông tin theo thời gian thực đã tiết kiệm được thời gian tổng hợp dữ liệu. “Trước đây, các ngành không chia sẻ dữ liệu với nhau. Muốn tổng hợp dữ liệu để lãnh đạo ra quyết định điều hành thì phải tốn thời gian, tiền bạc, nhân sự để thực hiện. Bây giờ việc xử lý sự cố có liên quan đến nhiều ngành đã có hệ thống này nên công tác phối hợp các ngành tốt hơn” - ông Cường phân tích. Thậm chí, một địa phương muốn sửa chữa một con đường có thể quan sát kỹ hơn qua hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị, từ đó ra quyết định đúng hơn, thực hiện chính xác hơn.
Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh (đặt tại Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, TP.HCM) với hơn 760 camera được xem như “mắt thần”. Ảnh: LÊ THOA
TS Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, tại Trung tâm Điều hành ĐTTM, đặt ở UBND TP. Ảnh: LÊ THOA
Đô thị thông minh sẽ nâng chất lượng sống cao lên
Ông Lê Quốc Cường cho biết năm 2020, TP sẽ tiếp tục hoàn thiện ĐTTM với nhiều phương hướng, giải pháp. Cụ thể, TP sẽ triển khai các bước thực hiện xây dựng trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của TP thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019-2025; xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của TP giai đoạn 2019-2021. Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục thực hiện tích hợp các CSDL hiện có của TP về kho dữ liệu dùng chung; tập trung triển khai CSDL người dân, doanh nghiêp, nền địa hình, địa chính; triển khai bản đồ số dùng chung cho TP…
Tháng 11-2017, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó đã xác định bốn “đầu việc” trọng tâm, gồm: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành ĐTTM, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP và Trung tâm an toàn thông tin TP. |
Ông Cường thông tin trong năm 2020, TP tiếp tục xây dựng quy chế vận hành của trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, xây dựng kịch bản dự báo phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 phục vụ cho Đại hội XI của đảng bộ TP.HCM.
Năm 2020, TP cũng sẽ triển khai xây dựng chính quyền điện tử TP, phục vụ quá trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số để quản lý và điều hành ĐTTM…
“Điều cốt lõi của ĐTTM chính là công tác quản lý thông minh. Với đầy đủ dữ liệu, công cụ, kênh tương tác thì công tác điều hành, ra quyết định của lãnh đạo sẽ thông minh hơn. Khi đã quản lý thông minh thì người dân sẽ được chăm sóc tốt hơn, được cung cấp các công cụ, phương tiện thông minh, chẳng hạn như các app về giao thông, giáo dục, y tế, cổng 1022,… để thụ hưởng, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, mua sắm, học tập, khởi nghiệp, tăng thu nhập… Khi những con người thông minh kết nối với nhau thì sinh ra một cộng đồng, một xã hội thông minh. Từ đó, chúng ta có một TP thông minh, có chất lượng cuộc sống tốt hơn” - ông Lê Quốc Cường khẳng định.
Giao thông, giáo dục, y tế… đi trước Theo ông Lê Quốc Cường, năm 2019, các ngành, lĩnh vực đã từng bước tiếp cận ĐTTM với một số kết quả cụ thể: Giao thông: Đã nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị. Toàn bộ các thiết bị ngoại vi được kết nối, quản lý và điều khiển tập trung tại trung tâm giám sát và điều khiển giao thông. Giáo dục: Cổng http://dichvugiaoduc.hcm.edu.vn/ cung cấp thông tin sáu loại hình dịch vụ giáo dục đã được cấp phép gồm trung tâm ngoại ngữ tin học, cơ sở dạy thêm học thêm, cơ sở giáo dục kỹ năng sống, đơn vị tư vấn du học, đơn vị giáo dục có yếu tố nước ngoài, các trường THPT ngoài công lập. Y tế: Đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành (quản lý các chỉ tiêu y tế hằng năm, tổ chức mạng lưới ngành y tế, thông tin về nhân lực y tế, các chương trình đầu tư, tình hình khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trực thuộc); phần mềm cảnh báo tình hình tài chính của các bệnh viện công lập. Đồng thời triển khai kết nối liên thông CSDL của trên 6.000 cơ sở cung ứng thuốc tại TP với CSDL Dược quốc gia. Quy hoạch: Cổng https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn cung cấp dưới dạng bản đồ hình ảnh các thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch cao độ nền với quy mô trên toàn địa bàn TP. Trước mắt cổng thông tin này đã “phủ sóng” khu vực trung tâm hiện hữu TP (930 ha), Thủ Thiêm, quận 12 và quận Thủ Đức. Anh ninh trật tự: Đã nghiên cứu triển khai thí điểm hệ thống nhận dạng đối tượng và phương tiện nghi vấn, phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TP. Kết quả thử nghiệm tỉ lệ chính xác cao khi nhận dạng biển số xe bốn bánh đạt 95,5%, xe hai bánh đạt 87,1%. |