3 trường đại học tại TP.HCM bị ‘tuýt còi’ trong mở ngành đào tạo

(PLO)- Theo thanh tra Bộ GD&ĐT, nhiều ngành đào tạo mở mới khi chưa đủ điều kiện theo quy định hoặc không khảo sát nhu cầu xã hội đầy đủ dẫn đến khó tuyển sinh, số lượng nhập học rất thấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa công khai các kết luận thanh tra về thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học (ĐH) và các điều kiện bảo đảm ngành đào tạo ở một số cơ sở đào tạo ĐH.

Trong đó, TP.HCM có 3 trường ĐH được kết luận thực hiện chưa đúng quy định trong việc mở ngành đào tạo.

Cụ thể, tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), theo văn bản kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, trong thời kỳ thanh tra (từ tháng 1-2021 đến tháng 9-2022), trường mở nhiều ngành khi chưa đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật giáo dục ĐH năm 2012 (sửa đổi năm 2018).

Trong đó, 3 ngành trình độ ĐH (Quản trị văn phòng, Quản trị giáo dục, Tâm lý học giáo dục), 2 ngành trình độ thạc sĩ (Giáo dục học, Báo chí học) và một ngành trình độ tiến sĩ (Việt Nam học) sử dụng dấu của trường là chưa đúng quy định.

Thời điểm trường ban hành quyết định mở ngành Hàn Quốc học trình độ thạc sĩ và ĐH khi chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định. Trách nhiệm này thuộc về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách mở ngành và bộ phận tham mưu của trường.

Với vi phạm này, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng phải chịu trách nhiệm khi có quyết định giao các trường thành viên mở ngành khi chưa đủ điều kiện tự chủ.

Trong kết luận, Thanh tra yêu cầu ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH KHXH&NV kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, cả hai đơn vị phải thực hiện rà soát các văn bản nội bộ, điều kiện để có hướng xử lý.

vi phạm đào tạo mở ngành đại học
Trường ĐH KHXH&NV là một trong 3 trường ĐH tại TP.HCM có những thiếu sót trong mở ngành đào tạo ở thời điểm thanh tra. Ảnh: TLNT

Tương tự, tại Trường ĐH Hoa Sen, qua quá trình kiểm tra, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng trường không tổ chức tuyển sinh các ngành Quản lý tài nguyên môi trường, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Công nghệ thực phẩm, Quản trị văn phòng, Hoa Kỳ học, Bảo hiểm trong hai năm 2021 - 2022; Và ngành Nhật Bản học trong năm 2022 - 2023.

Trường cũng dừng tuyển sinh các ngành Luật quốc tế, Bất động sản và Hệ thống thông tin quản lý.

Theo Thanh tra, trong số các ngành học kể trên, một số ngành khi thực hiện mở, trường không khảo sát nhu cầu xã hội đầy đủ dẫn đến khó tuyển sinh, số lượng nhập học rất thấp.

Ngoài ra, tại thời điểm mở ngành mới, 12 ngành trình độ ĐH, trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở. Trường tự xác định các giảng viên chủ trì ngành có đủ 5 năm giảng dạy ĐH và công trình nghiên cứu khoa học, bài báo về lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo trong thời hạn 5 năm theo quy định.

Còn với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu rõ, trường có văn bản báo cáo Bộ dừng tuyển sinh có 7 ngành đào tạo trình độ ĐH gồm: Giáo dục thể chất, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học.

Trong đó có ngành, khi thực hiện mở mới, trường thực hiện khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ dẫn đến không thể tuyển sinh, tỷ lệ thí sinh đăng ký học thấp.

Tại thời điểm mở ngành, 7/9 ngành có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở. Trường tự xác định các giảng viên chủ trì ngành có đủ 5 năm giảng dạy đại học và có công trình 11 nghiên cứu khoa học, bài báo về lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo trong thời hạn 5 năm theo quy định.

Những vi phạm này cũng xảy ra tương tự với một số cơ sở đào tạo khác mà Thanh tra Bộ GD&ĐT đã thực hiện thanh tra và kết luận trong đợt này. Như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Thủ Dầu Một …

Trong các kết luận thanh tra, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo nghiêm túc kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời rà soát các quy định nội bộ và quy định hiện hành để có những hướng xử lý đúng quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm