Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sở Tư pháp TP.HCM (27-3-1982 – 27-3-2022)

4 dấu ấn đặc biệt của ngành tư pháp TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sở Tư pháp TP.HCM (27-3-1982 - 27-3-2022), báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM.

Bốn dấu ấn đặc biệt

Phóng viên: Thưa ông, trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, đâu là những dấu ấn đặc biệt của Sở Tư pháp TP.HCM?

+ Ông Huỳnh Văn Hạnh: Theo tôi, có bốn dấu ấn đặc biệt. Thứ nhất: Đội ngũ công chức, viên chức của sở không ngừng lớn mạnh, trưởng thành mạnh mẽ về quy mô, số lượng và chất lượng, qua từng thời kỳ. Nhiều cán bộ xuất thân từ Sở Tư pháp TP.HCM được tin tưởng giao những vị trí quan trọng, chủ chốt của Bộ Tư pháp và các sở, ban ngành, quận, huyện của TP.HCM.

Thứ hai: Nhiều mô hình hoạt động tư pháp của cả nước gắn liền với tên tuổi của Sở Tư pháp TP.HCM, như sự ra đời tờ báo pháp luật đầu tiên của địa phương nay đã trở thành một trong những tờ báo uy tín nhất cả nước là báo Pháp Luật TP.HCM; mô hình liên thông các nhóm thủ tục hành chính (đăng ký khai sinh - đăng ký hộ khẩu thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; mô hình Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng đầu tiên và duy nhất đến nay của cả nước…).

Cán bộ Sở Tư pháp TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Ảnh: HOÀNG GIANG 

Thứ ba: Sở Tư pháp TP.HCM cũng là nơi được bộ, ngành tin tưởng để triển khai thí điểm nhiều chủ trương quan trọng về công tác tư pháp của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo cơ sở thực tiễn để mở rộng thực hiện trên phạm vi cả nước như thí điểm nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch, thí điểm chế định thừa phát lại…

Thứ tư: Công tác cải cách hành chính; cải cách thể chế trên địa bàn TP không ngừng được nâng cao về chất lượng; văn bản quy phạm pháp luật ban hành có tính khả thi cao, khắc phục cơ bản tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Trong giải quyết hồ sơ hành chính, sở luôn lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo, mạnh dạn áp dụng các sáng kiến, giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Ví dụ như tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, tiếp nhận hồ sơ qua bưu chính, thực hiện quy trình kết hợp các nhóm thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ là phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền của sở, liên thông nhóm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại TP.HCM…

. Chúng ta đã trải qua một năm 2021 với rất nhiều khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Sở Tư pháp TP.HCM đã vượt qua những thách thức này, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua năm 2021 toàn ngành tư pháp cả nước. Vậy theo ông, đâu là yếu tố quyết định để đạt được thành công này?

+ Đây là sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng và đầy trách nhiệm của một tập thể đoàn kết; của một đội ngũ công chức năng động, tư duy nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong công việc; khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đó là sự tin tưởng, quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, UBND TP.HCM và Bộ Tư pháp, là sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của TP và quận, huyện trong thực hiện nhiệm vụ chung, là động lực giúp Sở Tư pháp vượt qua các khó khăn, thử thách, phát triển đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ của ngành.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chuyển đổi số mạnh mẽ

. Thưa ông, một trong những chủ trương xuyên suốt của ngành tư pháp TP đó là “hướng về cơ sở”, đưa tư pháp đến gần với người dân và doanh nghiệp. Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?

+ Sở Tư pháp xác định chủ trương “hướng về cơ sở” là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động. Vì vậy, sở tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, các “điểm nghẽn” trong công tác tư pháp tại địa phương… Đồng thời, sở đã thực hiện nhiều giải pháp trong cải cách hành chính, lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Cạnh đó, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu về công tác xây dựng thể chế ở địa phương, tôi quan niệm “hướng về cơ sở” phải thực hiện ngay từ việc xây dựng hành lang pháp lý, để nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của TP phải gần với người dân và doanh nghiệp, dễ đọc, dễ hiểu, giải quyết được các vấn đề thực tiễn. Đây cũng là mục tiêu, chủ trương của ngành tư pháp TP.

. Hiện nay, các địa phương và bộ, ngành xem “chuyển đổi số” như là một trong những công cụ hữu hiệu để có thể phục vụ người dân một cách tốt nhất. Vậy Sở Tư pháp TP.HCM đã, đang và sẽ “chuyển đổi số” như thế nào, thưa ông?

+ Sở Tư pháp TP.HCM đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết hồ sơ hành chính. Nhiều chương trình, phần mềm đã được sở chủ động xây dựng, vận hành mang lại hiệu quả cao như: Chương trình phần mềm quản lý hộ tịch nối mạng đến quận, huyện; phường, xã, thị trấn; chương trình thông tin ngăn chặn, phần mềm công chứng dùng chung cho các tổ chức hành nghề công chứng...; là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công và sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp…

Đặc biệt, trong năm 2020-2021, Sở Tư pháp TP.HCM cùng với Sở TT&TT và UBND TP Thủ Đức, 21 quận, huyện đã tập trung tham mưu cho UBND TP.HCM thực hiện thành công Kế hoạch số 4804 ngày 24-10-2018 của UBND TP.HCM ban hành về triển khai xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái mở của TP.

Sở Tư pháp TP.HCM, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã hoàn thành, nghiệm thu việc số hóa sổ hộ tịch, đã tạo lập được dữ liệu hộ tịch điện tử đạt 100% khối lượng tài liệu cần số hóa (trên 12 triệu tài liệu). Sở cũng thực hiện việc rà soát, phê duyệt dữ liệu số hóa để chuyển về lưu chính thức trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Việc thực hiện thành công đề án số hóa sổ hộ tịch là tiền đề hết sức quan trọng cho việc kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chuẩn bị cho việc phối hợp với công an TP triển khai các giải pháp dùng chung hạ tầng với ngành công an trong việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân.

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung phối hợp với Sở TT&TT, Sở TN&MT để thực hiện kế hoạch liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn TP.

Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục xây dựng, tham mưu lãnh đạo TP cho thực hiện các đề án số hóa, các phần mềm quản lý chuyên ngành, tăng cường kết nối dữ liệu với các ngành khác để việc quản lý, xử lý công việc ngày càng nhanh chóng, thuận lợi hơn.

. Xin cám ơn ông.

 

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về công tác tư pháp

Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đang đặt ra cho ngành tư pháp cả nước nói chung và ngành tư pháp TP nói riêng những yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Đó là tiếp tục tạo bước chuyển biến cơ bản, toàn diện, sâu sắc về chất lượng và hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của ngành tư pháp; nâng cao vị thế, vai trò của ngành trong việc giúp chính quyền TP quản lý nhà nước về công tác tư pháp.

Nhiệm vụ này không chỉ là thách thức, trách nhiệm nặng nề, mà còn là cơ hội, vinh dự lớn lao mà lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thành ủy, UBND TP tin tưởng giao cho lãnh đạo ngành tư pháp TP và đội ngũ của ngành.

Tôi mong muốn công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp TP khắc ghi và thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền. Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân. Phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn. Phải nêu cao gương phụng công, thủ pháp, nêu cao lẽ công bằng, chí công vô tư; phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân là để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”. Từ đó phấn đấu hoàn thành xuất sắc công tác tư pháp, xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo TP, lãnh đạo ngành và niềm tin của nhân dân TP.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm