- Thiếu gương chiếu hậu phải. Khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định xe gắn máy có đủ gương chiếu hậu là một trong những điều kiện đảm bảo được phép tham gia giao thông. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 46/2016 lại chỉ quy định mức phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng đối với lỗi điều khiển xe không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng. Như vậy, người điểu khiển xe máy không có gương chiếu hậu bên phải sẽ không bị xử phạt.
- Không xi nhan khi đi vào đường cong. Người đi ô tô, xe máy phải bật xi nhan khi rẽ phải, rẽ trái, quay đầu; vượt xe khác; cho xe chuyển bánh từ vị trí đậu, hoặc chạy vào sát vỉa hè để dừng, đậu xe. Không xi nhan là một trong những lỗi rất phổ biến và hầu như mọi người đều đã từng một lần phạm phải. Hiện tại Nghị định 46/2016 không có quy định nào bắt buộc phải bật xi nhan nếu đi vào đường cong. Điều này có thể lý giải vì khi đi theo đường cong, người điều khiển phương tiện giao thông cua theo đường cong (không phải ngã rẽ, không chuyển hướng, không chuyển làn) được xem là đang đi trên một đoạn đường thẳng, theo một hướng thì không bắt buộc bật đèn tín hiệu.
- Điều khiển xe máy bằng một tay. Theo khoản 9, khoản 12 Điều 6 Nghị định 46/2016 hành vi buông cả hai tay khi lái xe máy là hành vi bị cấm và bị xử phạt rất nặng: Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng, tước Giấy phép láy xe từ 02 - 04 tháng. Song cũng tương tự như không xi nhan khi đi vào đường cong, hành vi buông một tay khi lấy xe vẫn chưa được quy định là một lỗi khi tham giam giao thông. Vì vậy, người điều khiển xe máy bằng một tay sẽ không bị xử phạt. Dù vậy, việc điều khiển xe máy bằng một tay là tương đối nguy hiểm, người đi đường không nên thực hiện hành vi này trừ trường hợp không còn sự lựa chọn nào khác.
- Buông hai tay khi điều khiển ô tô. Nếu hành vi buông hai tay khi điều khiển xe máy là vi phạm các quy tắc an toàn trong giao thông đường bộ và bị xử phạt rất nặng theo Nghị định 46/2016 thì việc buông hai tay khi lái ô tô vẫn chưa được nghị định trên quy định xử phạt.
Mặc dù bốn hành vi vừa nêu vẫn chưa được quy định là lỗi vi phạm trong giao thông đường bộ, và người thực hiện các hành vi này sẽ không bị CSGT xử phạt nhưng các hành vi trên có thể gây nguy hiểm cho chính người điều khiển và phương tiện tham gia giao thông khác.