Đề xuất toàn bộ tám tuyến metro ở TP.HCM theo quy hoạch hiện hành được điều chỉnh hướng tuyến, độ dài và bổ sung một số tuyến mới được chuyên gia quan tâm, góp ý. Cụ thể, chuyên gia cho rằng qua kinh nghiệm của các nước thì việc điều chỉnh mạng lưới metro là cần thiết, kể cả việc cần thêm tuyến metro ở phía nam khi khu vực này còn nhiều dư địa để phát triển mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
Các lý do cần điều chỉnh
Trong báo cáo cuối kỳ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (đang được lấy ý kiến của chuyên gia và cộng đồng), liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity (liên danh tư vấn) nêu bốn lý do cần điều chỉnh hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) ở TP.HCM.
Cụ thể: Thứ nhất, cần kết nối giữa các khu vực trọng điểm để phát triển; thứ hai, tạo ra cơ hội TOD lớn nhất; thứ ba, đảm bảo tiếp cận với đô thị; thứ tư, gia tăng liên kết vùng.
“Với các nguyên tắc đã nêu ở trên, mạng lưới ĐSĐT được đề xuất với sáu tuyến metro hướng tâm, hai tuyến metro vành đai, hai tuyến metro kết nối liên khu vực và một tuyến tramway dọc đại lộ Đông Tây và sông Sài Gòn. Tổng cộng chiều dài dự kiến ĐSĐT gần 520 km (đạt tỉ lệ 30-40 km/triệu dân)” - báo cáo đồ án nêu.
Trong 11 tuyến ĐSĐT tương lai, có một tuyến mới được đề xuất là tuyến metro số 9, bắt đầu từ ga An Bình đến Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh).
Lý giải thêm về đề xuất có thêm tuyến metro, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty EnCity, cho biết phía nam TP là khu vực phát triển mới nên cần bổ sung tuyến metro mới, phù hợp với đường sắt quốc gia. Tuyến này đi qua đường Nguyễn Văn Linh sẽ tạo thành nhu cầu động lực phát triển mới cho khu này.
ThS - kỹ sư Phạm Thị Huệ Linh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 4 - VIUP, đại diện liên danh tư vấn, lý giải thêm: Về mặt kỹ thuật, quy hoạch điều chỉnh lần này sẽ có những tuyến vòng cung và những tuyến metro xuyên tâm.
“Để có thể điều chỉnh hệ thống metro ở TP.HCM, chúng tôi cũng học hỏi những kinh nghiệm về việc tổ chức các mạng lưới ĐSĐT trên thế giới. Việc điều chỉnh là để đáp ứng quy mô dân số tốt nhất cũng như quy mô phát triển đô thị trong tương lai” - bà Linh cho biết.
Nên làm tuyến nào ra tuyến đó
Về tiến độ đầu tư, liên danh tư vấn cho biết Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (đối với quy hoạch đường sắt TP.HCM hiện tại với tổng chiều dài 220 km) nêu rõ đến năm 2035, hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT TP.HCM.
Bốn nguyên tắc định hướng để điều chỉnh là kết nối giữa các khu vực trọng điểm để phát triển, tạo ra cơ hội TOD lớn nhất, đảm bảo tiếp cận với đô thị, gia tăng liên kết vùng.
“Kiến nghị: Trước năm 2040, hoàn thành các đoạn tuyến của tuyến số 1, 2, 3 ,4, 5, 6, 7. Các tuyến này đi qua các khu dân cư tập trung hiện hữu và mở rộng ra các khu vực có tiềm năng phát triển tốt TOD như phía tây tuyến số 1, 3, phía bắc tuyến số 2, phía bắc và phía nam tuyến số 4, phía nam tuyến số 5, phía đông tuyến số 6, các đoạn tuyến số 7” - báo cáo đồ án nêu.
Theo đó, tổng chiều dài đi ngầm của các tuyến trong giai đoạn trước năm 2040 khoảng 100 km, tổng chiều dài các tuyến metro khoảng 260 km. Sau năm 2040 đến 2060, tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới theo quy hoạch đối với tất cả đoạn tuyến còn lại.
“Hệ thống metro thời gian qua chúng ta chưa làm theo định hướng TOD nên hệ thống ĐSĐT cần quy hoạch lại, với sự hợp tác của Sở QH-KT TP và Sở GTVT TP chứ không chỉ có ngành giao thông quy hoạch là đủ” - TSKH - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn góp ý.
Theo ông Sơn, đa số tuyến metro hiện nay chạy ngang tuyến đường đô thị đã hình thành nên tiềm năng quỹ đất không còn. Việc này dẫn đến bồi thường giải tỏa rất tốn kém nhưng hiệu quả lại không cao.
“Tôi nghĩ TP nên thí điểm tuyến metro số 1 với quy hoạch giao thông công cộng đi đôi với quy hoạch đô thị, kết hợp quy hoạch kinh tế - xã hội. Khi xây xong tuyến metro số 1 thì phải khai thác được quỹ đất hai bên, hình thành các TOD để kết nối, thu hút người dân” - ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng chúng ta nên tập trung làm tốt tuyến metro số 1 với mục tiêu là nâng cao số lượng người dân sử dụng giao thông công cộng chứ không phải cứ nâng số tuyến. Chiến lược không phải làm metro cho thật nhiều mà là làm tuyến nào ra tuyến đó.•
Đề xuất tăng mạng lưới đường sắt đô thị lên 520 km
Trong báo cáo cuối kỳ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, liên danh tư vấn đề xuất mạng lưới ĐSĐT ở TP tăng từ 220 km lên 520 km.
Theo các quyết định hiện hành thì TP có các tuyến metro là tuyến số 1, 2, 3a, 3b, 4, 4b, 5, 6 và tuyến xe điện mặt đất số 1, đường sắt một ray (monorail) số 2, 3.
Với đồ án mới, liên danh tư vấn đề xuất có các tuyến metro số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và một tuyến đường sắt nhẹ LTR ven sông từ Bến xe Miền Tây hiện hữu đến Trung An (huyện Củ Chi). Như vậy, hai tuyến monorail sẽ được bỏ ra khỏi quy hoạch và thay thế bằng tuyến metro. Đồng thời, tất cả tuyến metro cũ cũng được đề xuất điều chỉnh hướng tuyến và độ dài.