40 năm thắp sáng tinh thần đại học

Đây là một trong những bài thơ mà cựu sinh viên, nhà thơ Trương Nam Hương sẽ đọc trong lễ kỷ niệm 40 năm hoạt động Khoa Văn học và Ngôn ngữ (1975 - 2015), sẽ diễn ra lúc 8g sáng Chủ nhật ngày 12.4 tại Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM (10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1):

Về đây hỡi tháng năm trong trẻo
Ký ức xanh như mắt nắng xanh ngời
Câu thơ viết cuối giảng đường - thổn thức
Gọi tên từng thương nhớ… bạn bè ơi!

Thoáng đó, những cô cậu sinh viên ngày nào, mặt còn búng ra sữa đã lên chức… chồng/vợ đùm đề con cái, nhưng khi nhớ về trường cũ, hầu như trong lòng ai cũng dạt dào một niềm cảm xúc tươi mới. Ngày tháng đi học bao giờ cũng khiến người ta nhớ nhất, bởi ở đó ngoài sự trang bị kiến thức để bước vào đời, còn có hình ảnh thầy cô, mà nói như PGS-TS Đoàn Lê Giang - Chủ nhiệm khoa đó là các thầy cô thuộc thế hệ “trí thức vàng” - những cây đại thụ trong nghề, làm rạng danh nền học thuật nước ta và đào tạo được nhiều học trò thành đạt: giáo sư Lê Trí Viễn, Đinh Gia Khánh, Trần Đình Hượu, Bùi Văn Nguyên, Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai...

Cựu sinh viên Khoa Văn học và ngôn ngữ về dự Hội thảo GS Hoàng Như Mai

Làm sao tôi có thể quên thầy Hoàng Như Mai khi giảng bài phong cách hết sức nghệ sĩ, ngâm thơ oang oang, sinh viên lớp khác cứ ùa đến vây kín cửa sổ nghe thơ; thầy Lê Đình Kỵ luôn ăn mặc giản dị thậm chí đến tuềnh toàng, có lúc cài nhầm nút áo, mang dép ngược, giảng bài rề rà, bù lại thầy viết nghiên cứu cực hay, uyên bác; thầy Mai Cao Chương khi giảng bài thường nhìn lên trần nhà, cười tủm tủm một mình mà mãi sau này, thầy mới cho biết những lúc ấy thầy cười với... lũ thạch sùng!

Phải nói thật rằng, chính năm tháng đó, chúng tôi mới có thời gian đọc sách nhiều nhất. Có một lần, do mải mê đọc trong kho sách, tầng lầu 2, lúc ngẩng đầu lên đã tối. Phải về thôi. Tôi bước ra ngoài, trời đất ơi, cửa đã khóa. Thế là đêm ấy, tôi đã ngủ lại trong kho sách. Một kỷ niệm mà giờ thỉnh thoảng nhớ lại, tôi sung sướng lắm bởi chưa một sinh viên nào có “may mắn” ấy.

Không chỉ học từ sách vở, chúng tôi còn học ở “trường đời”. Bạn Châu Hoài Phương - lớp cao học Văn học Việt Nam - nhớ lại ngày tháng Khoa tổ chức đi thực tập: “Chúng tôi phải men theo bờ ruộng mà đi, ngày nào cũng băng qua mấy thửa ruộng, qua vài cây cầu, cầu khỉ có, cầu ván có. Cực mà vui lắm! Người dân nơi đây hiền hậu, chân chất, hào phóng và rất hiếu khách. Đó cũng là tính cách chung của người dân Nam bộ.

Thấy sinh viên về thực tập, họ rất vui! Lúc đầu nhờ đọc ca dao, tục ngữ, vè, hò, hát ru, hay nói thơ, kể chuyện cười để ghi âm lại thì họ có hơi mắc cỡ. Nhưng khi đã hát hay hò được một hai câu rồi, họ cứ thế mà làm một hơi rất mùi mẫn. Mười mấy năm trôi qua rồi mà tôi còn nhớ mãi bà Sáu, bà ngoài bảy mươi tuổi nhưng giọng còn trong và tốt lắm! Nhờ vậy, chúng tôi đã sưu tầm được rất nhiều câu ca dao hay, mang đậm nét văn hóa miền Tây Nam bộ”.

Hôm trước ngồi trò chuyện với các thầy Đoàn Lê Giang, Nguyễn Ngọc Quang, Huỳnh Như Phương, Võ Văn Nhơn, các bạn học cũ như nhà thơ Phan Hoàng, Trương Nam Hương, nhà báo Cẩm Lệ… chúng tôi đã thử thống kê từ Khoa Văn học và ngôn ngữ, sau 40 năm đã có những ai trở thành cây bút tiêu biểu cho nền văn học - báo chí hiện đại.

Thật bất ngờ số lượng đã lên đến hàng trăm người chứ không phải ít. Có thể kể đến các nhà thơ, nhà văn như Thái Thăng Long, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Nhã Thụy, Bích Ngân, Vũ Hồng… Ấy là chưa kể đến những cây bút chuyên viết phóng sự, bút ký đã từng đoạt nhiều giải thưởng như Huỳnh Dũng Nhân, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Hà Thạch Hãn, Nguyễn Hồng Lam, Dương Cẩm Thúy…

Rồi đã có các tiến sĩ, thạc sĩ đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa như Võ Văn Nhơn, Lê Khắc Cường, Lê Văn Chưởng, Đoàn Lê Giang, Trần Lê Hoa Tranh… Rõ ràng, khi các thầy “gieo hạt” trong giảng đường đại học thì nhiều mùa sau đã có hoa trái sum suê.

Vì lẽ đó, dịp này, ngoài việc thực hiện Kỷ yếu, chúng tôi còn thực hiện Tuyển tập 40 năm nghiên cứu Khoa Văn học và ngôn ngữ, Hoàng Như Mai với đồng nghiệp và môn sinh, Tuyển tập GS Mai Cao Chương… Với những tập sách này, chắc chắn một lần nữa diện mạo 40 năm sẽ được tái hiện sinh động và đầy đủ hơn. Ngoài ý nghĩa họp mặt, đây còn là dịp các thế hệ sau nỗ lực hơn nữa, nối gót các thế hệ đàn anh, đàn chị và tiếp tục làm sáng thêm ý nghĩa nhân văn của tinh thần đại học.

Theo LÊ MINH QUỐC (PHỤ NỮ TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm